Bóng đá Việt sắp trở lại thời bao cấp?

17:27, 25/09/2012
|

(VnMedia) - Không còn cuộc sống vương giả như thời các ông bầu kinh tế còn quản lý, đời sống bóng đá nội sắp trở lại vai trò bao cấp từ tỉnh, thành phố kể từ mùa giải 2013.

Gieo nhân nào gặt quả nấy

So với những giải đấu trong khu vực Đông Nam Á, V-League là lá cờ đầu với xu thế chuyển giao các câu lạc bộ cho doanh nghiệp tự quản lý. Dưới ''bầu sữa'' các doanh nghiệp, cuộc sống cầu thủ, huấn luyện viên ở giải V-League được thay đổi hoàn toàn. Các cầu thủ luôn nhận lương cao, chế độ đãi ngộ tốt. Thu nhập cầu thủ trong tháng có thể lên đến vài trăm triệu, vượt xa so với mặt bằng xã hội. Dù nhận mức lương - thưởng cao chót vót, giới cầu thủ bị chê ''nghiệp dư lĩnh lương cao'', khi chất lượng chuyên môn chưa ngang bằng số tiền chi vào các đội bóng.

Nguyên nhân bắt nguồn từ chủ quan từ chính các ông bầu bóng đá. Vốn sẵn tiền lại muốn gây tiếng vang, nhiều ông bầu ném tiền không tiếc để mua cầu thủ giỏi. Thứ quan niệm sính thành tích vô tình đẩy giá chuyển nhượng liên tục tăng nóng, biến V-League trở thành nơi đua tiền của những đội bóng có sẵn tiền. Từ sự phát triển thiếu bền vững, không vì cái gốc, dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng từ khâu đào tạo trẻ của nhiều đội bóng.

Ảnh minh họa

Sau thời gian phát triển nóng, giá trị nội ngoại binh ở Việt Nam sẽ trở lại
giá trị thực, khi các câu lạc bộ rơi vào cảnh khó khăn về tiền bạc như hiện tại

Chính việc tăng trưởng nóng không theo lộ trình đã ảnh hưởng sự phát triển của cả nền bóng đá nội. Ở tầm đội tuyển lẫn U23 tìm không ra những tài năng trẻ chất lượng để phục vụ mục tiêu thống trị khu vực Đông Nam Á.

Mùa giải 2013 chưa đến gần nhưng có hàng loạt ông bầu công khai ý định rút lui. Khó khăn về tài chính chỉ là một phần lý do, nguyên nhân quan trọng nhất bóng đá không sinh ra lời từ số tiền cực lớn nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra. Chỉ vì khát khao đánh bóng thương hiệu, các ông bầu mới đổ tiền vào bóng đá nhiều như thế. Nhưng khi mọi thứ đã bão hòa, chính các ông bầu cũng xót tiền, nên muốn rút lui khỏi các đội bóng mình đang quản lý. Đó là điều bầu Trường, bầu Thọ, bầu Thụy... đã từng thổ lộ trong thời gian vừa qua.

Cổ nhân thường nói ''giao nhân gì gặt quả nấy'' và bóng đá Việt Nam đang phải trả giá vì kiểu ''ăn xổi'' trong những năm vừa qua.

Đành trả lại đội bóng cho địa phương

Suy thoái kinh tế khiến các đội bóng liên quan doanh nghiệp vốn chi tiền bạt mạng phải đắn đo, suy nghĩ trước thềm V-League 2013. Một người vốn thoáng như bầu Hiển cũng tính trả đội Trẻ SHB.Đà Nẵng cho thành phố Đà Nẵng quản lý. Ai cũng biết thời gian này, ông bầu quản lý SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T đang phải xử lý yêu cầu rút lui khỏi một trong hai đội bóng kể trên.

Việc bầu Hiển muốn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng gánh vác trách nhiệm chăm lo cho đội bóng sông Hàn cũng là điều dễ hiểu. Sau 5 năm gắn kết, bầu Hiển cũng đã hoàn thành nhiệm vụ cho đội chủ sân Chi Lăng, khi mang lại cho SHB.Đà Nẵng vô số danh hiệu. Nay Liên đoàn bóng đá Việt Nam đòi ông Hiển phải chấm dứt tình trạng 2 đội bóng, nên việc rút lui khỏi SHB.Đà Nẵng gần như phải làm.

Tìm một đối tác thay thế bầu Hiển quản lý đội bóng sông Hàn không dễ trong bối cảnh kinh tế khốn khó như thế này. Nên việc trả đội hạng Nhất, là Trẻ SHB.Đà Nẵng, cho thành phố quản lý là biện pháp thích hợp nhất. Bởi bản thân lãnh đạo TP.Đà Nẵng không thiếu về tiền bạc lẫn sự quan tâm để chống lưng cho trẻ SHB.Đà Nẵng sống tốt thời ''hậu'' bầu Hiển.

Thời buổi khó khăn nên nhiều đội bóng khác cũng tính trả một phần đội bóng về địa phương. Như nhà tài trợ ngân hàng Bắc Á muốn tỉnh Nghệ An nhận lại tuyến trẻ của đội bóng xứ Nghệ, còn mình tập trung chăm lo cho đội một đang chơi ở V-League. Thời điểm này nhà tài trợ cũng gặp khó trong kinh doanh, nên bà bầu Thái Hương mới kiến nghị tỉnh có biện pháp giảm bớt khó khăn cho mình. Việc trả tuyến trẻ cho tỉnh Nghệ An sẽ giảm áp lực chi tiêu cho đội bóng xứ Nghệ, trong khi tỉnh Nghệ An tập trung việc đào tạo trẻ, tiếp tục cho ra ''lò'' những cầu thủ chất lượng cho bóng đá xứ Nghệ.

Ảnh minh họa

V-League 2013 đứng trước nguy cơ vắng bóng những câu lạc bộ doanh
nghiệp và thay vào đó là những đội bóng nhận nguồn ngân sách từ địa phương

Có lẽ các đội bóng còn lại sẽ học cách bầu Hiển, bà bầu Thái Hương đang làm. Nguyên nhân từ việc các đội bóng doanh nghiệp không còn mặn mà đầu tư như trước. Họ muốn tinh giảm biên chế gọn nhẹ, thậm chí trả một phần hoặc toàn bộ đội bóng trở lại địa phương quản lý. Đó có thể là bước thụt lùi cho giải chuyên nghiệp Việt Nam, song không còn cách nào khác khi các ông bầu liên tục có ý định rút lui trong một năm trở lại đấy.

Trả lại đội bóng cho địa phương đồng nghĩa đời sống bóng đá nội sẽ trở lại đúng giá trị thực của chính mình. Sẽ không còn cảnh bơm giá cầu thủ lên đến 9-10 tỷ đồng, mức thưởng cho một trận thắng lên đến cả tỷ đồng như quá khứ. Thay vào đó, bóng đá nội sẽ nghiêm túc hơn trong việc phát triển cầu thủ trẻ, hướng đến thứ bóng đá bài bản, khoa học hơn là kiểu chạy đua theo thành tích.

Có thể dự đoán mùa giải V-League 2013, việc trả đội bóng cho địa phương quản lý sẽ trở thành ''mốt'' thời thượng với nhiều đội bóng từng gắn liền với các doanh nghiệp.


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc