Bóng đá Việt Nam đầy rẫy những việc ''kỳ cục''!

07:06, 07/09/2012
|

(VnMedia) - Tư duy ''2 trong 1'' lâu nay vẫn ám ảnh giới làm nghề bóng đá ở Việt Nam. Chuyện một ông chủ hai đội bóng, huấn luyện viên (HLV) kiêm công việc câu lạc bộ và đội tuyển, ông bầu kiêm ban tổ chức... vốn là tiền lệ ít có trong tầm bình diện bóng đá quốc tế.

Những chuyện chỉ có ở bóng đá Việt

Đã hơn 10 năm bóng đá Việt Nam sử dụng mỹ từ ''chuyên nghiệp'' khi nói đến V-League. Nếu nhìn việc thầy ngoại, cầu thủ ngoại rồi mức lương, chuyển nhượng tăng chóng mặt, có thể nghĩ bóng đá Việt Nam đã vươn tầm thực sự. Đến khi quay lại thực trạng, chợt chóng mặt khi những nếp suy nghĩ, cách làm cũ vẫn còn ăn sâu trong nhiều hoạt động từ cấp Liên đoàn cho đến các câu lạc bộ.

Thử nhìn vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua, như vấn đề bầu Hiển quản lý một lúc hai đội bóng V-League là Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng, khiến dư luận nổi sóng. Đã hơn 1 luần, dư luận yêu cầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phải xử lý rốt ráo vấn đề này. Nhưng chính lãnh đạo VFF tạo ra tiền lệ nguy hiểm ấy, theo kiểu ''thả gà ra đuổi''. Đã 3 năm qua, chuyện một ông bầu hai đội bóng vẫn điềm nhiên xuất hiện giải đấu được xem số 1 Đông Nam Á, đủ thấy chúng ta vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp trong nếp nghĩ, cách làm.

Ảnh minh họa

Bóng đá nội đang bị phủ bóng từ những yếu tố ''phi'' chuyên nghiệp, như
một ông bầu 2 đội bóng, ông bầu vừa đá bóng vừa thổi còi...

Từ sự yếu kém công tác quản lý từ VFF, dẫn đến một tiền lệ thứ hai chẳng giống ai. Đó là việc các ông bầu ở V-League và hạng Nhất tự trở thành nhà tổ chức ở hai giải đấu. Họ chưa thực sự phục cách điều hành - tổ chức từ Liên đoàn, nên tự đứng ra thành lập Công ty cổ phần bóng đá VPF. Oái oăm ở chỗ từ vị thế chủ quản, VFF lại trở thành một trong những cổ đông mở ra VPF và mất quyền điều hành hai giải chuyên nghiệp. Một sự kiện '' các ông bầu vừa đá bóng vừa thổi còi'' chỉ có ở bóng đá Việt Nam mới có được.

Chưa hết sốc ở cấp thượng tầng, chuyện bóng đá Hải Phòng định mua suất V-League từ bầu Hiển trong mùa giải 2013. Kỳ cục ở chỗ, bóng đá Hải Phòng đang có một đội là V.Hải Phòng vừa tụt xuống chơi giải hạng Nhất mùa sau. Thay vì mua suất cho đội bóng này, lãnh đạo thành phố Cảng tính xây dựng hẳn một bộ máy lãnh đạo, cầu thủ... mới mang tên Hải Phòng FC và chơi cùng trên sân Lạch Tray với đội V.Hải Phòng cũ. Trên một địa bản mà đến 2 đội bóng kiểu như thế, cũng chỉ có bóng đá Việt Nam mới làm nổi.

Bao giờ hết ''nghiệp dư lĩnh lương cao''

Cựu chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh từng bình luận giải bóng đá ở ta vẫn là ''nghiệp dư lĩnh lương cao''. Nhìn những hình ảnh vừa qua của bóng đá nội, câu phát ngôn của ông Vinh vẫn còn tính thời sự. Dù đã qua hơn 10 năm tuổi đời làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng tư tưởng cũ kiểu ''2 trong 1'' vẫn còn đất sống.

Không cần kể đâu cho xa, chiếc ghế ở tầm đội tuyển Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất. Trong nhiều năm qua, chuyện kiêm nhiệm ở cả câu lạc bộ và đội tuyển được xem là thiếu khoa học và hợp lý. Bởi một HLV sẽ khó đảm bảo công việc, tính minh bạch khi đóng vai trò trung gian như thế.

Nhưng vừa qua, Tổng cục thể dục thể thao lẫn VFF buộc phải chấp nhận tình cảnh ''chồng chung'' ở chiếc ghế đội tuyển với đội bóng như thế. Nó xuất phát từ lý do ứng viên sáng giá Phan Thanh Hùng không chấp nhận từ bỏ vị trí ở câu lạc bộ Hà Nội.T&T. Sau nhiều đắn đo, VFF lại quyết định ông Hùng không chỉ ngồi vị trí ở đội tuyển Việt Nam, mà còn kiêm luôn chiếc ghế còn trống ở U23 Việt Nam.

Ảnh minh họa

Từ việc HLV Phan Thanh Hùng (áo xanh) vừa kiêm nhiệm ở câu lạc bộ lẫn
2 đội tuyển thực sự là điều đáng lo khi tư tưởng ''2 trong 1'' vẫn có đất sống

Từ thời ông Henrique Calisto, Falko Goetz còn kiêm nhiệm ở đội tuyển lẫn U23, đã bị chê là thiếu khoa học, gây chồng chéo trong việc chuẩn bị. Đến nay, HLV Phan Thanh Hùng còn kiêm từ câu lạc bộ đến đội tuyển, rồi U23 thì quả thực xưa nay hiếm. Dù ông Hùng có tài giỏi, thông minh cỡ nào cũng khó có thể chu toàn và thu về thành tích cho cả Hà Nội.T&T, U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam được. Ông Calisto và Goetz từng thất bại trong vai trò kiêm nhiệm, nên dư luận và giới chuyên môn chẳng tin HLV họ Phan sẽ làm nên chyện lớn, trong hoàn cảnh ''vừa bế em, xay bột và giã gạo'' vào lúc này.

Thiết nghĩ chúng ta đang hướng đến một giải đấu, một đội tuyển thực sự chuyên nghiệp, nhưng cảnh một ông bầu 2 đội bóng, một địa phương 2 đội bóng, ông bầu vừa đá bóng, vừa thổi còi, rồi HLV câu lạc bộ kiếm đến 2 chức vụ ở tầm đội tuyển, rất khó cho bóng đá Việt Nam thu lại thành công. Và nhìn thành tích chỉ giành mỗi chức vô địch AFF Cup 2008 hẳn cũng có lý do từ cách tổ chức - quản lý ''kỳ cục'' của bóng đá Việt Nam.  


Kim Chi

Ý kiến bạn đọc