Vì sao Trung Quốc hút các sao bóng đá thế giới?

20:14, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Không khó để nhận ra một làn sóng các danh thủ thế giới “di cư” ồ ạt tới nền bóng đá Trung Quốc. Giải Chinese Super League có thực sự hấp dẫn những tên tuổi như Anelka, Drogba, Keita, Kanoute… hay còn vì lý do nào khác?
 

Tiền không phải tất cả nhưng là… kim chỉ nam!
 
Trong vòng 1 năm trở lại đây, giải Chinese Super League bỗng được các phương tiện truyền thông chú ý tới. Mọi chuyện khởi đầu bằng việc Anelka “nổ phát súng” đầu tiên khi chia tay Chelsea, từ chối một số lời mời của các CLB Ngoại hạng Anh để phiêu lưu tới châu Á.

 Ảnh minh họa

 Anelka là cầu thủ tên tuổi đầu tiên tới giải bóng đá Trung Quốc


Cựu tiền đạo của Real Madrid khẳng định, anh muốn góp phần nhỏ bé để thúc đẩy nền bóng đá ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nhưng ẩn sau những lời lẽ đầy nhân văn này là bản hợp đồng béo bở, giúp Anelka có được số tiền lương cao gấp đôi khi còn thi đấu cho Chelsea (175.000/bảng/tuần).
 
Ngay sau đó, Frederic Kanoute cũng nói lời chia tay Sevilla để tới khoác áo Beijing Guoan với mức lương 1,63 triệu euro/năm. Khả năng chịu chi của các CLB Trung Quốc đã giúp họ “buộc” Kanoute quay ngoắt 180độ, từ chối các lời mời từ Trung Đông.
 
Không hề thua kém các CLB đồng hương, đội bóng Đại Liên Aerbin cũng vừa bổ sung thêm một cựu cầu thủ của Barcelona - Seydou Keita. Để có được cầu thủ 32 tuổi người Mali, Đại Liên Aerbin phải chấp nhận trả mức lương tới 5,6 triệu euro/năm.
 
Giải Chinese Super League một lần nữa trở thành tâm điểm sự chú ý khi có sự xuất hiện của “voi rừng” Drogba. Người hùng của Chelsea trong trận chung kết Champions League đã bỏ ngoài tai mọi lời mời chào để tiếp tục làm đồng đội của Anelka tại CLB Thân Hoa Thượng Hải. Bù lại Drogba bỏ túi tới 250.000 euro/tuần, mức lương mà ngay cả C.Ronaldo, Messi, Xavi cũng phải ngưỡng mộ!
 
Thậm chí mới đây, “hoàng tử” thành Turin – Del Piero cũng bóng gió sẽ tới Trung Quốc thi đấu sau khi chia tay Juventus, nếu nhận được lời mời hợp lý.
 
Trung Quốc rõ ràng đang trở thành “bãi đáp” không thể hoàn hảo hơn cho những cầu thủ đã thành danh nhưng bắt đầu bước sang bên kia sườn sự nghiệp. Những Anelka, Keita hay Del Piero (nếu sang Trung Quốc thi đấu) sẽ luôn được trọng dụng, thần tượng và đặc biệt có thế đút túi hàng triệu euro/năm ở giải đấu kém xa Serie A, Premier League hay La Liga về độ khốc liệt, cạnh tranh. Nhàn nhã mà ra tiền!
 
Các ngôi sao luống tuổi sung sướng là vậy nhưng còn các đội bóng, họ được gì từ những Anelka, Drogba, Kanoute đó?
 
Mục đích ẩn sau những thương vụ triệu đô
 
Theo giáo sư Simon Chadwick nghiên cứu về các hoạt động kinh doanh thể thao, thuộc trường đại học Coventry, Anh, việc các đội bóng Trung Quốc chi đậm để lôi kéo các cầu thủ nổi tiếng không ngoài mục đích phục vụ cho mục tiêu chính trị.

 Ảnh minh họa

 Nhiều mục đích ẩn sau những bản hợp đồng triệu đô


“Nếu bóng đá Trung Quốc thành công trong những năm tới sẽ tạo được tiếng vang lớn không chỉ trong nội địa mà còn trên bình diện thế giới. Khi đó những ông chủ của các đội bóng như Thân Hoa Thượng Hải, Đại Liên Aerbin hay Quảng Châu sẽ đạt được những mục tiêu chính trị nào đó của họ.
 
Tờ South China Morning Post thì giải thích hiện tượng mua sắm ồ ạt ngoại binh của các đội bóng nội địa bằng những bản hợp đồng làm ăn.
 
“Trung Quốc hiện đang chú trọng đầu tư, khai thác tài nguyên với các quốc gia châu Phi. Dường như các đội bóng cũng tính tới hướng mở rộng phát triển thương mại ở khu vực này. Có thể nhận thấy phần lớn ông chủ các đội bóng mạnh tay chi tiêu là các trùm kinh doanh bất động sản”.
 
Tuy nhiên, tờ báo này cũng chỉ ra mục tiêu rất chính đáng của đội bóng khi mua cầu thủ ngoại quốc chính là việc lôi kéo nhiều hơn cổ động viên tới với sân bóng. Tương tự như một số nền bóng đá ở châu Á, người hâm mộ Trung Quốc không quá hào hứng với các trận đấu nội địa. Một trận đấu của Thân Hoa Thượng Hải cũng chỉ hút chưa tới 1 vạn người tới sân. Tuy nhiên, với sự hiện diện của Drogba, BLĐ đội bóng kỳ vọng sẽ lấp kín thêm nhiều hàng ghế tại sân vận động Hồng Khẩu.


Đào Hoàng

Ý kiến bạn đọc