Nước mắt Pirlo và cách hành xử của "bò tót"

06:09, 08/07/2012
|

(VnMedia) - Chẳng nhớ tôi mê môn thể thao 22 người tranh nhau một quả bóng từ bao giờ. Chỉ biết rằng sau mỗi trận đấu cổ họng tôi luôn khản đặc, thậm chí còn bị viêm họng.

Có hai đội bóng tôi luôn ủng hộ vô điều kiện đó là Brazil (nếu là
World Cup) và Italia (nếu là Euro) bất luận họ được giới chuyên môn đánh giá cao hay thấp.

Yêu bóng đá đẹp và bị mê hoặc bởi thứ bóng đá tấn công đầy hoa mỹ, tôi luôn ấn tượng và mến mộ đội tuyển Brazil. Lối chơi bóng của họ đầy ngẫu hứng và những màn nhảy múa như làm xiếc với trái bóng, họ được ví như vũ công Samba trên sân cỏ. Tôi thích Pelé, Rivaldo, Roberto Carlos và cả chàng cầu thủ xấu xí hay cười Ronaldinho.

Ảnh minh họa
Pirlo rơi lệ sau trận chung kết với Tây Ban Nha

Với Italia, thật tình trước đây tôi không thích lối chơi của đội tuyển này vì nó mang nặng tính thực dụng của lối đá catenaccio truyền thống: thi đấu chậm rãi, bình thản, thiên về phòng ngự. Song, như bao nhiêu phụ nữ khác, đội quân thiên thanh vẫn quyến rũ tôi bởi  khuôn mặt điển trai, hào hoa và mái tóc dài lãng tử của các cầu thủ.

Tôi thích Roberto Baggio, Francesco Totti, Paolo Maldini, Christian Vieri, Alessandro Del Piero và đặc biệt mê chàng tiền vệ Andrea Pirlo.
Bây giờ, Italia càng mê hoặc tôi hơn bởi kể từ khi đội tuyển được Cesare Prandelli dẫn dắt, lối chơi của họ không còn mang tính thực dụng mà thay vào đó là sự uyển chuyển linh hoạt trong cách vận dụng sơ đồ chiến thuật nên ngẫu hứng và quyến rũ hơn.

Với tất cả sự mến mộ dành cho những chàng trai hào hoa, lãng tử nên khi người bạn thân định cư ở Đức gạ gẫm cá độ trận chung kết Euro 2012, biết chắc Tây Ban Nha sẽ thắng, tôi vẫn đặt cược cho đội quân thiên thanh của ông Cesare Prandelli.

Dù ủng hộ Italia nhưng diễn biến trận đấu cho thấy Tây Ban Nha chơi quá thuyết phục. Bất cứ ai theo dõi trận chung kết Euro vừa qua  đều phải thừa nhận một điều rằng đó là một buổi tối của Tây Ban Nha mà ở đó Italia chỉ là tấm phông để làm nổi bật hơn màn trình diễn của đối thủ. Khi David Silva sút thủng lưới của Buffon ở phút thứ 14, chẳng cần hết 90 phút mọi người đều đã biết đội quân thiên thanh sẽ thua. Bị vỡ trận, họ bắt đầu tấn công lúng túng, bế tắc và tuyệt vọng…

Kết thúc hiệp một, Tây Ban Nha thắng 2-0. Chỉ cần hai bàn thắng, đội quân của Huấn luyện viên Del Bosque đã thể hiện quyền lực tuyệt đối và trở thành  đội bóng thành công nhất mọi thời đại khi họ đoạt được ba danh hiệu lớn liên tiếp (một chức vô địch World Cup xen giữa hai chức vô địch Euro). Cứ ngỡ những cầu thủ của xứ bò tót đã bằng lòng với chiến thắng này, hiệp hai họ sẽ chỉ cần giữ sạch lưới của Casillas và chơi nhân ái hơn vì Italia đã quá đuối sức.

Nhưng, không,  những chú “bò tót” vẫn hăng say tấn công, kiên quyết không tha đội quân thiên thanh ngay cả khi Montta chấn thương ở phút 61, Italia chỉ còn đá với 10 người. Phút 84, Fernando Torres sút thủng lưới của Buffon. Bốn phút sau, Juan Mata lại buộc chàng thủ thành kỳ cựu này phải vào lưới nhặt bóng một lần nữa.

Cuộc chơi nào chẳng có kẻ thắng, người thua. Song, dù là chơi cũng rất cần tính nhân văn. Làm chủ trận đấu, chơi áp đảo, đá hơn người, Tây Ban Nha có cần thiết phải dồn ép những chiến binh áo xanh đang quá mệt mỏi, đuối sức vào thế tuyệt vọng, vào một trận thua không thể ngửng mặt lên được không? Chiến thắng 2-0 là quá đủ với Tây Ban Nha rồi. Nếu tôi là Torres, phút 84 tôi nhất định sẽ sút bóng ra ngoài và cũng không chuyền bóng cho Juan Mata ghi tiếp bàn thắng thứ 4 – bàn thắng chua chát nhất - ở phút 88.

Buồn thay, những chú “bò tót” của Del Bosque không phải là tôi, họ muốn có chiến thắng vang dội để ghi tên mình vào lịch sử các trận chung kết World Cup và Euro nên quyết húc đối phương đến chết cho dù đối phương đã hoàn toàn mất khả năng chống cự. Và…cuối cùng Tây Ban Nha đã thắng thuyết phục trận chung kết Euro 2012 nhưng theo tôi, họ cũng thua thảm hại vì hoàn toàn thiếu tình người trong cuộc chơi này. Thắng như vậy là thắng trong thế thua. Việc các chàng trai hào hoa, lãng tử của nghệ sĩ Cesare Prandelli rơi lệ là điều dễ hiểu.

Trận thua này quá bất nhẫn đối với Italia, đặc biệt là chàng tiền vệ hào hoa Pirlo
. Khi Prandelli chấp nhận chơi theo sơ đồ 3-5-2 của Juventus cũng đồng nghĩa rằng ông đã trao vận mệnh đội tuyển lên vai Pirlo. Thực tế, Pirlo đã rực sáng và không ít lần những người hâm mộ phải trầm trồ thán phục bởi những đường chuyền có độ chính xác rất cao của anh. Vóc dáng mảnh khảnh, mái tóc dài lãng tử, Pirlo là niềm hy vọng của Italia… Nhưng thảm bại đã khiến anh tức tưởi và tôi cũng bật khóc vì thương anh…

Trận chung kết Euro 2012 trôi qua đã mấy ngày mà nước mắt Pirlo và cách hành xử thiếu tính nhân văn của những chú “bò tót” khiến tôi trăn trở mãi. Italia ơi, dẫu những nuối tiếc sẽ vẫn mãi còn bởi giấc mơ Euro 2012 không đi đến tận cùng, những chàng trai hào hoa, lãng tử vẫn cho chúng ta thấy họ có thể làm được những điều tưởng chừng không thể. Vậy thì trong nước mắt, hay vui lên để nghĩ về một ngày mai tươi sáng… 


Phong Lan

Ý kiến bạn đọc