Kịch bản nào cho VFF thời ''hậu'' Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ?

19:08, 22/07/2012
|

(VnMedia) - Phải đến cuối năm 2013, chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ mới mãn nhiệm chức vụ ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Nhưng việc ông Hỷ đăng đàn tính chuyện rút lui sớm trước thời hạn vô tình đẩy cuộc cách mạng nhân sự VFF nên một mức độ mới mang nhiều nghi ngờ lẫn hy vọng.

Khi VFF không còn là thành trì

Đã từ lâu, VFF như thành trì vững chắc rất khó lung lay trước bất cứ tác động nào. Mang đặc thù một tổ chức có tính chất xã hội hoá, nhưng việc lựa chọn người trong ban chấp hành, thậm chí ghế Chủ tịch hay Tổng thư ký, một tay Tổng cục thể dục thể thao hoặc Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch (VH,TT & DL) quyết định.

Nhưng thất bại của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam trong thời gian qua, giới lãnh đạo VFF cũng chịu ảnh hưởng nặng nề và có người chấp nhận ra đi. Như thất bại SEA Games 26 vừa qua, trưởng đoàn U23 Việt Nam kiêm Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn buộc phải từ chức. Dù ban chấp hành VFF không chấp nhận đơn từ chức, nhưng chính Tuấn ''Tổng'' cũng không chịu nổi búa rìu dư luận và nộp đơn lần hai. Đến lúc ấy, VFF cũng đành thuận ý ông Tuấn và sau đó chọn ông Ngô Lê Bằng thay thế.

Sau ông Tuấn, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng trở thành tâm điểm chịu chỉ trích. Trái với ông Tuấn, ông Hỷ không chấp nhận rời chức. Theo quan điểm ông Hỷ sai sót cần sửa chữa chứ không phải từ chức là cách hay để chối bỏ trách nhiệm. Dù ông Hỷ không mất chức nhưng vai trò và tầm ảnh hưởng VFF không còn như trước.

Ảnh minh họa

Sau Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn (thứ 2, từ trái sang) từ chức, đến lượt
chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ có ý định rút lui sớm trước 1 năm

Đầu tiên việc Công ty cổ phần VPF ra đời từ sự chung tay ông bầu, đã tiếp quản luôn việc điều hành 2 giải đấu chuyên nghiệp, vốn là quyền lợi của VFF. Bản thân bản quyền truyền hình là quyền lực cuối cùng của VFF cũng bị VPF giành lấy, sau khi đối tác ký kết là AVG cũng chuyển giao hợp đồng cho các ông bầu.

Từ vị trí số 1 trong làng bóng đá nội, tầm ảnh hưởng VFF mất hẳn. Đó quả thực bước lùi với tổ chức quyết định quyền sinh quyền sát của cả nền bóng đá quốc gia. Dường như ''thành trì'' VFF cũng không còn vững trải với quyết định rút lui sớm trước 1 năm từ chính chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Nó mở đường cho cuộc cải tổ bộ máy VFF triệt để thời hậu ông Hỷ, ông Tuấn.

VFF làm mới mình hay lại như cũ?

Nếu ông Hỷ rút lui sớm, ban chấp hành VFF buộc phải đưa danh sách nhân sự được giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm. Vào lúc này, ông Hỷ đã có danh sách ứng viên thay thế gửi lên Bộ VH, TT & DL để giới thiệu. Nhiều khả năng, ông Hỷ sẽ dọn đường đưa Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn trở lại chính trường. Ngay phó chủ tịch VFF Dương Nghiệp Khôi vốn rảnh rỗi sau khi mất chức trưởng giải V-League cũng được đưa vào ứng cử vị trí này.

Tiếc rằng cả 2 nhân vật trên đều từng dính không ít sự cố thời còn làm việc ở VFF. Ông Tuấn giỏi giao thiệp nhưng tỏ ra thiếu chuyên môn để đứng vị trí nặng nề, đòi hỏi có khả năng bao quát như chủ tịch VFF. Còn ông Khôi từng thiếu quyết liệt, mạnh bạo khi làm trưởng giải khiến nhiều câu lạc bộ bất bình, dẫn đến việc "gãy ghế" 3 năm trước.

Ngay những vị trí còn lại ban chấp hành VFF cũng chưa có gì mới mẻ, nổi bật, khiến nghi ngờ cuộc cách mạnh trong bộ máy điều hành VFF lại đâu hoàn đấy. Khi những cái tên cũ vốn thiếu cá tính, quyết liệt để thay đổi bộ mặt uể oải VFF lúc này.

Dù sao VFF cũng là tổ chức xã hội hoá và người hâm mộ mong mỏi Bộ VH, TT & DL chọn cái tên mới để thay đổi hình ảnh của bộ não quyết định sự thành bại của cả nền bóng đá nước nhà. Đó là việc trải thảm đỏ mời những doanh nhân yêu bóng đá như bầu Đức, bầu Kiên, bầu Thắng làm chủ tịch VFF.

Ảnh minh họa

Cuộc bầu chọn lãnh đạo VFF mới cần mở rộng đúng tính chất tổ chức xã hội hoá,
giúp các doanh nhân có tài năngđảm nhận công việc thay ông Nguyễn Trọng Hỷ

Nhìn qua nhiều nước sẵn sàng mời những doanh nhân tên tuổi, thành danh và hoạt động tong lĩnh vực thể thao nhằm tạo nên sức bật cho chính tổ chức của mình. Vậy tại sao cuộc bầu chọn lãnh đạo VFF không thoáng hơn trong tiêu chí dùng người, để tìm những nhân tố trẻ trung, tài năng và có cái nhìn rộng hơn vào vị trí quan trọng cho cả nền bóng đá nội.

Thử nhìn thành công hay thất bại của các đời chủ tịch VFF đã qua mới thấy chúng ta chưa mạnh dạn trao niềm tin và hy vọng các doanh nhân làm bóng đá. Như việc các ông bầu chung ta xây dựng VPF đủ nói lên họ đủ tài trí, năng lực làm được việc lớn.

Còn ngược lại, việc bầu chọn lãnh đạo VFF theo con đường cũ, thất bại như SEA Games 26 rất dễ xảy ra và VFF phải đối diện cơn bão chỉ trích, đòi lãnh đạo VFF từ chức hệt như thời gian vừa qua.


Phan Long

Ý kiến bạn đọc