(VnMedia) – Đã không có những bản hợp đồng khủng với số tiền lớn ở giai đoạn chuyển nhượng, bổ sung lực lượng giữa mùa giải của V-League 2012.
Bắt đầu từ Vicem Hải Phòng
Mùa giải năm ngoái, V Hải Phòng làm một cú chuyển nhượng giữa mùa đắt giá chưa từng có trong lịch sử V-League khi mượn trung vệ Đình Luật về chơi có nửa mùa bóng. Tính ra, mỗi trận đấu mà trung vệ này ra sân đáng giá đến cả mấy chục triệu đồng. Để trụ hạng, V Hải Phòng còn lập cả một “Ban chống xuống hạng” với chi phí để ở lại được V-League lên đến cả chục triệu đồng.
Đến mùa năm nay, gần hết lượt đi, đội bóng đất Cảng rơi xuống vị trí bét bảng và trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho một tấm vé xuôi về hạng Nhất. Mấy ngày trước, thông tin V Hải Phòng đang có ý định chiêu mộ tiền đạo Calt Cort, người từng khoác áo Newcastle Utd được tung ra. Nhưng rồi hóa ra, đó chỉ là “tin vịt”, một kiểu tung bom đã lỗi thời với bóng đá Việt
HLV Lê Thụy Hải khẳng định V Hải Phòng chẳng hề biết đến tiền đạo nào từng chơi ở giải ngoại hạng Anh, thậm chí còn chưa thử việc ngoại binh nào. Hợp đồng duy nhất cho đến thời điểm này của V Hải Phòng là trung vệ Anh Tuấn. Khẳng định đội bóng mình đang dẫn dắt rất có như cầu bổ sung lực lượng, nhưng ông Hải “lơ” cũng gián tiếp đưa ra thông tin rằng V Hải Phòng đang rất khó khăn về tài chính.
Dù đang rất có như cầu bổ sung lực lượng nhưng V Hải Phòng mới chỉ
kí hợp đồng với 1 cầu thủ là trung vệ Anh Tuấn.
Thông tin tập đoàn Xi măng đang có những khó khăn trong việc làm ăn đã được đưa ra, và rất có cơ sở. Chẳng riêng gì “ông Xi măng”, ông nào bây giờ mà chẳng đang khó khăn đủ bề. Kinh tế khó khăn, khủng hoảng, bão giá ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đương nhiên trong đó có bóng đá. Xu hưởng thắt chặt hầu bao, chi tiêu tiết kiệm là xu hướng chung, và bóng đá, một lĩnh vực vẫn cứ “đốt tiền” ầm ầm trong suốt thời gian qua cũng chẳng phải ngoại lệ.
Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến bóng đá
Không chỉ Vicem Hải Phòng, hàng loạt đội bóng khác cũng ở tình trạng tương tự, khi nhu cầu bổ sung, kí những bản hợp đồng mới để tăng cường lực lượng cho chặng đua khó khăn trước mắt là có thật, nhưng việc tài chính khó khăn còn thật hơn.
Trong danh sách đăng kí thi đấu mà VFF mới cập nhật, chỉ có một vài sự thay đổi về nhân sự ở các đội bóng. Việt Thắng từ Bình Dương về Thanh Hóa với bản hợp đồng cho mượn nửa mùa trị giá 500 triệu, so sánh khập khiễng bởi thời thế khác nhau, nhưng con số này chỉ bằng 1/7 Đình Luật ở mùa năm ngoái. Anh Tuấn về Vicem Hải Phòng cũng không phải với số tiền lớn, mà chủ yếu để cứu vãn sự nghiệp. HN T&T bổ sung lại một gương mặt cũ là Antonio.
Việt Thắng về Thanh Hóa theo một bản hợp đồng cho mượn nửa mùa trị giá 500 triệu đồng.
Những thông tin kinh tế cho thấy, thời gian này không phải quãng thời gian làm ăn phát đạt, có số lãi nhiều của các đơn vị ngân hàng, mà còn liên tục có những thông tin sáp nhập ngân hàng nọ với ngân hàng kia. Điểm sơ qua, có tới vài đội bóng đang được ngân hàng “nuôi”, đó là SLNA với Ngân hàng Bắc Á, CLB Hà Nội với ngân hàng ACB của bầu Kiên, Navibank Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, Kienlongbank Kiên Giang. Trừ SHB Đà Nẵng có bầu Hiển đứng sau, những đội bóng còn lại đều không dư dật, thoải mái về tài chính để được gọi là đại gia, và khi ngân hàng khó khăn, đương nhiên họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Đã có thông tin, đội bóng Navibank Sài Gòn muốn bán bớt cầu thủ để cắt giảm quĩ lương và để giải quyết các vấn đề về tài chính.
Bóng đá Việt
Ý kiến bạn đọc