(VnMedia) - Hơn 10 năm qua trôi qua, V-League vẫn chưa tận dụng được "chất xám" từ số cầu thủ ngoại kiều. Đó là sự phí phạm ghê gớm một nguồn ngoại lực giàu tiềm năng. Chỉ cần VFF khai thác "mỏ vàng" này, V-League thêm giàu chất lượng và tạo sức bật cho đội tuyển quốc gia.
Từ chuyện về Lee Nguyễn
Ba năm thất bại ở Việt Nam tưởng chừng tiêu tan sự nghiệp của tiền vệ gốc Việt Lee Nguyễn. Đến lúc rời khỏi giải chuyên nghiệp Việt Nam, Lee Nguyễn vẫn có đôi phần tiếc nuối. Bởi suốt thời gian khoác áo Hoàng Anh GL rồi B.Bình Dương, tham vọng của chính cựu tuyển thủ Mỹ lẫn gia đình là trở về quê hương và tìm kiếm sự nghiệp ổn định.
Ngay mới về sân Pleiuku, Lee Nguyễn từng tự tin sẽ trở thành "tượng đài" V-League. Nếu Lee giúp Hoàng Anh GL vô địch, thành công của Lee như "nam châm" giúp các cầu thủ Việt kiều khác noi theo trở về Việt Nam thi đấu. Lee sẽ có tiền đồ lẫn cả sự nghiệp tươi sáng nếu lấn sân qua thời trang và điện ảnh, như người bạn thân Johnny Trí Nguyễn.
Song giấc mơ của tiền vệ từng đá cho PSV Eindhoven (Hà Lan) bỗng tan như bong bóng xà phòng, khi môi trường bóng đá nội khắc nghiệt và có quá nhiều khác biệt so với tưởng tượng của Lee và gia đình.
Lee Nguyễn chỉ đón toàn chấn thương và những nỗi thất vọng
trong 3 năm đá ở V-League
Ngoài việc Lee Nguyễn có phần bị các ngôi sao ở Hoàng Anh GL, B.Bình Dương cô lập, lối chơi có phần quá khốc liệt ở V-League, từng khiến cầu thủ người gốc Bến Tre có ý định từ bỏ bóng đá sớm. Đá bóng môi trường như thế, mẫu cầu thủ thiên về kỹ thuật như Lee Nguyễn bị "cùn" đi, khiến không ít người có chuyên môn lẫn dư luận hụt hẫng.
Thật bất ngờ trong ngày trở lại giải nhà nghề Mỹ (MLS), tiền vệ này khiến người hâm mộ phải ngây ngất với tài năng của mình. Có tốc độ, sự tinh tế lẫn khả năng làm chủ trái bóng, Lee Nguyễn khiến đồng đội lẫn CĐV đội New England Revolutions cũng phải ngạc nhiên về mình.
Từ "kép phụ" ở CLB mới, tiền vệ này mau chóng chiếm suất chính thức ở hành lang cánh trái. Chẳng thế còn xuất hiện trong đội hình tiêu biểu của MLS và xứng đáng đứng cạnh những ngôi sao lẫy lừng như David Beckham, Thierry Henry, Robby Keane, Landon Donovan... Một sự trở lại ngoạn mục khiến báo giới Mỹ tốn không ít giấy mực, buộc HLV trưởng tuyển Mỹ cũng phải có lời khen ngợi.
So với 1.000 ngày" ác mộng" khi đá ở V-League, Lee Nguyễn đang có những ngày tháng ngọt ngào nhất trong sự nghiệp. Bởi đơn giản giải nhà nghề Mỹ biết trân trọng tài năng và biến tài năng của Lee trở thành thứ hữu ích. Còn ở V-League, các CLB chưa biết dụng người tài như Lee sao cho đúng cách.
"Mỏ vàng" vẫn bị bỏ phí
Ngay từ khi V-League ra đời, không ít số cầu thủ gốc Việt trở về nước tìm kiếm cơ hội. Song những cái tên như Ludovic Casset, Đặng Văn Robert, Đặng Văn Lâm, Johnny Ngọc Anh hay Lee Nguyễn, đều chưa để lại những dấu ấn tích cực trên sân cỏ.
Có thể một số cầu thủ chưa đủ đẳng cấp và sự chuyên nghiệp như cái "mác" ngoại trên mình. Song thất bại của Lee Nguyễn ở V-League thật đáng suy nghẫm. Lee Nguyễn có tài lẫn quyết tâm chứng minh tài năng. Song môi trường V-League quá khác biệt, để rồi Lee Nguyễn không còn cách nào khác phải ra đi và bây giờ lại thành công ở MLS.
Đã có một thời không xa, giới chuyên môn lẫn dư luận rất chú ý đến số cầu thủ Việt kiều đang lưu lạc ở nước ngoài. Con số ấy chắc không hề nhỏ, khi cộng đồng người Việt phủ sóng trên khắp châu Âu, thậm chí ở châu Mỹ đến Australia, New Zealand.
Nếu so với các cầu thủ nội, về thể hình và thể lực của những cầu thủ có nửa dòng máu Việt chắc hẳn tốt hơn. Chưa kể họ được đào tạo trong môi trường đỉnh cao, tiếp thu tinh hoa các nền bóng đá hàng đầu thế giới, nên khả năng phát triển sẽ tốt hơn. Trong số ấy, Lee Nguyễn (tuyển Mỹ), Yohan Cabaye (tuyển Pháp) chính là hai sản phẩm tốt nhất trong số cầu thủ Việt kiều đang lưu lạc ở nước ngoài.
Emil Lê Giang tự về Việt Nam tìm việc, chứ các CLB V-League vẫn chưa
mặn mà và thực sự đầu tư tìm kiếm các tài năng gốc Việt
Chẳng thế mà vào năm 2002, HLV Mai Đức Chung đã sang tận các nước châu Âu để tìm nguồn cầu thủ gốc Việt xa xứ. Việc đưa các cầu thủ gốc Việt về chơi V-League lẫn đội tuyển từng được tính đến. Tiếc thay vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, "mỏ vàng" giúp bóng đá Việt vươn tầm vẫn bị bỏ phí.
Thời gian vừa qua, một số cầu thủ gốc Việt như Emil Lê Giang đang tự mình trở về Việt Nam tìm cơ hội thi đấu. Song ý định ấy mới chỉ là tham vọng cá nhân, chứ VFF lẫn các CLB V-League chưa mạnh dạn tìm kiếm và sàng lọc kỹ lưỡng để tìm các "viên ngọc" đích thực. Nếu biết khai thác "mỏ vàng" đang có trong tay, các CLB V-League lẫn đội tuyển hoàn toàn nghĩ đến việc sở hữu Lee Nguyễn, Yohan Cabaye trong tay.
Nhưng vì thói quen "thích xây nhà từ nóc", bóng đá Việt lẫn các CLB ở V-League vẫn đang lãng quên nguồn chất xám quan trọng từ cầu thủ gốc Việt, để nâng tầm bóng đá Việt Nam một cách chuyên nghiệp.
Ý kiến bạn đọc