(VnMedia) - Đã vài tháng kể từ khi HLV F.Goetz phải ra đi và cũng chỉ còn vài tháng nữa AFF Suzuki Cup 2012 bắt đầu, nhưng vị trí HLV tuyển Việt Nam đến giờ vẫn bị bỏ trống. Liên đoàn thì "đổ lỗi" rằng các HLV nội không mặn mà, tuy nhiên có lẽ thực tế không phải vậy.
Thầy nội "lên ngôi" ở Super League
Có lẽ chưa bao giờ các HLV nội được sùng ái như bây giờ. Không chỉ khẳng định được danh tiếng mà các ông thầy nội giờ đây được hưởng lương và các ưu đãi cao ngất ngưởng từ các ông bầu lắm tiền nhiều của.
Vài năm qua, HLV nội đã lấn át cả thầy ngoại
Nhìn lại quá khứ thì suốt 6 năm qua, các HLV ngoại dần dần mất đi ảnh hưởng tại giải Super League. Ngoại trừ HLV Calisto từng giúp "Gạch" vô địch 2 năm 2005, 2006, thì các ông thầy ngoại khác đều không thành công và phải ra đi. Thay vào đó, các thầy nội như Lê Thụy Hải, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng thay nhau cùng đội nhà nâng cao chức vô địch. Thầy ngoại giờ đây không còn uy vũ, là "kim chỉ nam" đem đến thành công như xưa. Và đến Super League 2012, chỉ còn HAGL là dùng HLV người Hàn Quốc Choi Yoom Gyum, nhưng cũng sắp sa thải vì không đáp ứng nhu cầu..
Bên cạnh việc đẳng cấp được khẳng định, trị giá HLV nội tăng vọt. Những HLV nội đã và đang xây dựng được cá tính, thương hiệu cho bản thân như Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Lê Thụy Hải, Lê Huỳnh Đức... cũng nhận mức lương cả 100 triệu/tháng.
Nhưng lại bị VFF "bỏ rơi"
Nhiều năm qua, ngoài việc chạy theo thành tích, VFF cũng nổi tiếng "sính hàng ngoại". Và hơn 10 năm gần đây chưa có một HLV nội nào được cất nhắc lên ghế ĐTQG. Trong khi ấy, các đối thủ mạnh trong khưc vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều tận dụng triệt để nội lực. Điển hình như Malaysia vừa vô địch AFF Cup, 2 HCV SEA Games 25, 26 bằng một HLV nội 100%.
Lâu nay VFF lãng quên nguồn chất xám từ trong nội tại bóng đá VN. Trong khi một HLV ngoại được trả tới vài chục ngàn đô mỗi tháng thì mức lương để một HLV nội lên làm ở tuyển thường rất thấp, chưa bằng một phần mười. Đến độ được cất nhắc lên tuyển, được xem là vinh dự, đôi khi cơ hội học hỏi đối với một thầy nội.
Ngay HLV cá tính như ông Hải "lơ" khi được lên làm trợ lý ở tuyển, cũng vui mừng như bắt được vàng. Ông Hải còn nói câu nổi tiếng, đi ngược cá tính ngang tàng của mình: "Vì tình yêu và trách nhiệm của một HLV, nếu VFF có yêu cầu tôi lên đội tuyển để xách nước hay nhặt bóng thì tôi cũng sẵn sàng". Đây là lần ông HLV Lê Thuỵ Hải - người đưpưk tự xưng là HLV nội giàu thành tích nhất - vui mừng khi được đề nghị làm trợ lý HLV U23 Việt Nam từ VFF.
Nói thế để thấy HLV nội vẫn khao khát được chứng tỏ mình ở cấp độ đội tuyển, dù có lúc họ bị lãng quên, chưa được xem trọng như HLV ngoại. Và vừa qua, chính HLV Phan Thanh Hùng tự ứng cử làm HLV trưởng ĐTVN, trong khi VFF lẫn Hội đồng HLV QG lại than vãn các ứng viên nội từ chối lên tuyển.
VFF nói không ứng viên nào đồng ý lên tuyển, thì thật vô lý khi chính
HLV Phan Thanh Hùng tự ứng cử cách đây 2 ngày
Không phải HLV Phan Thanh Hùng tham gì mức lương hơn 200 triệu đồng/tháng mà VFF đưa ra làm "mồi nhử". Quan trọng hơn đó là cái tâm người làm nghề và trách nhiệm với bóng đá nước nhà. Trong khi lãnh đạo Liên đoàn vẫn một mực nói rằng tin tưởng HLV nội, thì cách làm của VFF lại đi ngược lời nói.
Chính TGĐ CLB Sông Lam NA, ông Nguyễn Hồng Thanh, từng nói thẳng rằng lãnh đạo VFF chưa xem trọng HLV nội. Bởi chưa khi nào VFF tỏ sự cầu thị, mong muốn các ứng viên nội thực sự đóng góp giúp ĐTQG. Hệ quả dẫn đến các HLV như Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng ngập ngừng chưa nhận lời, khi chế độ ưu đãi lẫn điều kiện làm việc chưa được bàn thảo kỹ lưỡng.
Trong khi ấy, những chiến lược gia này đang có cuộc sống dư dả, thoải mái ở CLB. Ngoài mức lương cả trăm triệu đồng, mỗi tháng đội nhà có chiến thắng, họ cũng có thêm khoản tiền thưởng thêm từ ông bầu. Việc dấn thân mạo hiểm khi lên tuyển, trong khi VFF không đồng lòng tin tưởng, hỗ trợ phía sau, chẳng khác gì nhảy vào lửa tự sát.
Ý kiến bạn đọc