(VnMedia) - Kể từ khi VPF ra đời bên cạnh VFF, dư luận chỉ thấy cuộc chiến nảy lửa giữa 2 tổ chức quyền lực của bóng đá VN. Không lo việc xây dựng giải đấu hay tìm HLV trưởng cho tuyển VN, đôi bên chỉ tìm kế vật cho đối phương ngã "lấm bụng" trong thời gian này.
Tham bát, bỏ mâm
Qua 2 tháng trời VPF và VFF khẩu chiến, chung quy mọi vấn đề xung quanh chuyện tiền bạc. Giả sử VPF hay VFF thắng trong vụ đấu đá bản quyền, mọi thứ cũng chỉ để giữ "miếng bánh" quyết định nuôi sống cả giải đấu.
Vị thế của VFF, lãnh đạo Liên đoàn không muốn mất đi chìa khóa cuối cùng để giữ được thành trì cuối cùng của mình trước sự công phá mãnh liệt từ liên minh các ông bầu. Chẳng thế, lãnh đạo Liên đoàn mới đẩy lùi ngày họp ban chấp hành VFF từ giữa tuần trước trở thành vô thời hạn. Bởi quan tâm nhất lúc này của VFF chính là tuyên bố của Ban thanh tra Bộ VH, TT&DL về cuộc chiến bản quyền.
Trong thời điểm các giải đấu quan trọng trong khu vực ĐNA lẫn châu Á sắp diễn ra, VFF bình chân như vại, trong khi vai trò HLV trưởng ĐTVN và U22 Việt Nam, có tính sống còn trong việc hoàn thành mục tiêu. Ai cũng hiểu VFF có nhiệm vụ phải giúp 2 đội tuyển đạt thành tích cao trong các giải đấu trong năm 2012. Nhưng thay vì lo chuyện trong nhà, VFF cũng đang mải mê với những yếu tố ngoài chuyên môn cùng VPF.
Còn bản thân lãnh đạo VPF cũng trong cảnh lo đấu đá mà quên mất nhiệm vụ của chính mình. Tính từ thời gian thay VFF quản lý 2 giải đấu, VPF vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn tích cực trong khâu tổ chức, điều hành. Vừa rồi giới trọng tài vẫn khẳng định VPF thiếu họ khoản tiền đi lại, bồi dưỡng, công tác phí các trận đấu 3 vòng Cúp QG lẫn 5 vòng Super League.
Bản thân lãnh đạo VPF cũng khẳng định việc mình chưa giải ngân khoản tiền còn thiếu cho giới trọng tài do vướng mắt giấy tờ, chứng từ, chứ không bao giờ có chuyện thiếu giới cầm còi một đồng. Tuy nhiên, từ sự chậm trễ trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh của Super League khiến dư luận nghi ngờ năng lực thực sự của các ông bầu.
Cả VFF và VPF đều chê phía đối tác không chịu nhìn chung chí hướng. Song nhìn qua cách ứng xử của cả hai đều đang tham bát bỏ mâm, lo chuyện tiền bạc hơn là khía cạnh chuyên môn. Từ những cách ứng xử có phần trẻ con, vì lợi ích của riêng mình sẽ làm hại chính sự phát triển bóng đá Việt.
Nỗi lo để lại
Về phía VFF, sự phân tâm về những tranh cãi với VPF khiến họ đang gặp bế tắc trong việc tìm HLV cho các đội tuyển. Bí quá, VFF lại đẩy trách nhiệm cho Hội đồng HLV QG tìm người thay mình. Dù là người có tiếng nói quyết định, chủ tịch HĐ HLV QG Nguyễn Sỹ Hiển cũng không thể lôi kéo HLV Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng từ bỏ công việc tại CLB.
Việc lựa chọn HLV trưởng đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2012 không phải chuyện đùa, khi áp lực vô địch cực lớn. Nếu HLV Mai Đức Chung là giải pháp cho chiếc ghế U22 VN tại vòng loại U22 châu Á có thể tạm chấp nhận, việc để ông Chung "xe ca" lên tuyển Việt Nam là mạo hiểm, khi đại đa số tuyển thủ QG đều không đánh giá cao tài năng, cách dụng quân của ông Chung. Trong khi đó, tất cả các gương mặt sáng giá khác đều đã nói lời từ chối. Và hiện tại, chưa có một ứng viên tiềm năng nào dù đã qua thời hạn phải công bố vị "thuyền trưởng" mới.
Và nếu lại trắng tay ở AFF Cup 2012 thì áp lực dư luận mà VFF phải gánh chịu sẽ còn lớn hơn nhiều so với thất bại tại SEA Games 26 vừa qua. Lúc đó, lãnh đạo liên đoàn chắc sẽ khó có thể ngồi ung dung để "đấu đá" bản quyền hay cái tên giải đấu như hiện nay.
Còn về phần VPF, tổ chức này cần tập trung vào công tác quản lý, điều hành giải đấu, đặc biệt là xử lý nhanh những vấn đề phát sinh. Mặc dù đã có những tín hiệu vui từ vòng 5 khi bạo lực, thẻ phạt giảm nhanh, trọng tài hoàn thành tốt nhiệm vụ, số khá giả đến sân tăng kỷ lục... tuy nhiên nếu nhìn từ 5 vòng đấu đầu tiên, nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn tiềm ẩn. Nếu cứ tiếp tục lún sâu vào những tranh cãi không đầu không cuối, e rằng, VPF khó có thể hoàn thành lời hứa với lãnh đạo cấp trên cũng như khán giả hâm mộ về việc cải tổ bóng đá Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc