(VnMedia) - Từng được ví von là "V-League Idol”, bầu Kiên được kỳ vọng sẽ xóa đi bầu không khí xám xịt của BĐVN. Nhưng sau 2 tháng VPF điều hành Super League, dư luận chỉ thấy bầu Kiên đăng đàn đấu khẩu về bản quyền truyền hình hay tên giải, thay vì thể hiện vai trò hoạch định cho giải đấu ngày càng chất lượng, trong sạch hơn.
Bầu Kiên “bắt nạt” VFF
Còn nhớ cuộc tổng kết mùa giải 2011, chủ tịch CLB HN.ACB khiến lãnh đạo VFF toát hồ môi hột khi đăng đàn phát biểu chỉ trích cách làm ăn lem nhem của Liên đoàn. Không những thế, ông bầu tóc bạc còn hé lộ bí mật động trời khi có đến 7 đội bóng sẵn sàng đứng ra tổ chức Super Liga thay cho V-League ở mùa sau.
Dư luận đồng tình, rồi ủng hộ ý tưởng cách tân của bầu Kiên khi U23 VN thi đấu thất vọng ở SEA Games 26. Từ ý tưởng tách riêng giải đấu, Công ty VPF ra đời, với trách nhiệm thay thế VFF tổ chức 2 giải đấu quốc nội. Bầu Kiên chính là nhân vật hoành tránh nhất, khi đưa ra hình thức cổ phần hóa với sự đóng góp của VFF và 28 đội chuyên nghiệp còn lại.
Cùng với đó, giải đấu chuyển sang cái tên oai và hoành tráng hơn là Super League. VPF hứa hẹn sẽ cải tổ nền bóng đá từ tận gốc rễ. Không chỉ đảm bảo cuộc sống trọng tài, tình trạng đi đêm, đá láo sẽ được liên minh các ông bầu đứng ra tổ chức lại, để cho bóng đá VN chỉ còn hai từ “sạch sẽ”.
Sau khi "ném đá hội nghị", bầu Kiên vẫn chưa làm
thay đổi bộ mặt BĐVN như tuyên bố
Chẳng thế trong bối cảnh BĐVN đi tụt lùi, danh sách bầu chọn VĐV, HLV xuất sắc năm 2011 thì môn thể thao vua chỉ góp mặt mỗi HLV Hữu Thắng và tiền vệ Thành Lương. Trong danh sách ấy, dư luận còn cho rằng bầu Kiên xứng đáng với những gì đóng góp cho sự ra đời VPF và Super League. Nói không ngoa, cá tính thẳng thắn và những phát ngôn lạnh lùng, bầu Kiên lại là nhân vật thể thao của năm, chứ không phải ai khác.
Nhưng 2 tháng đi qua, kể từ khi VPF ra đời, bầu Kiên trong vai trò phó tướng, lại lấn át cả Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. Khi những sự cố diễn ra, ông Thắng chưa kịp phát ngôn, báo chí, dư luận lại chỉ thấy công văn do ông Kiên ký xuất hiện, với mức độ ngày càng quyết liệt.
Vụ bản quyền truyền hình chưa biết ai đúng, ai sai, VPF lại đối đầu với VFF, rồi Tổng cục TDTT về vấn đề tên giải đấu. Thay vì cải tổ trên sân cỏ, bầu Kiên lại chỉ tập trung vào những màn "đấu khẩu", để cuối cùng, Super League diễn ra trong tình trạng bạo lực gia tăng và chất lượng trọng tài chưa có dấu hiệu cải thiện. Và mọi thứ xung quanh VPF càng như mớ bòng bong.
Chẳng trách một chương trình showbiz cuối năm, có diễn viên đóng vai một ông bầu “chém gió” tưng bừng trên sân khấu. Và ai cũng hiểu nhân vật được nhắc đến lúc này là ông bầu Nguyễn Đức Kiên.
Bầu Kiên “bắt nạt” cầu thủ
Bầu Kiên đang mất điểm trong mắt dư luận, vì kiểu làm việc “nói được, làm không được”. Không những thế, nội bộ CLB Hà Nội lủng củng khi tiền vệ Đinh Thanh Trung không chịu ra sân vì mình đã hết hợp đồng với CLB Hòa Phát HN vào tháng 1/2012.
Sau khi đội bóng sát nhập HN.ACB, bầu Kiên lại lấy bản ghi nhớ giữa bầu Long, bầu Tuấn bên HP.HN, để ép tiền vệ đội U23 VN phải ký HĐ 5 năm với mức phí lót tay chỉ 5 tỷ đồng. Xét trượt giá thị trường, cựu đội trưởng HP.HN bị ép giá quá đáng, trong khi xét về lý, tờ giấy ký kết giữa Thanh Trung về HP.HN không còn giá trị khi đội bóng này giải thế.
Thanh Trung muốn rời CLB vì cách đối xử phũ phàng của bầu Kiên
Trong khi việc ký kết gia hạn HĐ chưa thành công, bầu Kiên lại phá luật, khi yêu cầu cầu thủ này ra sân trong trận B.BD – CLB Bóng đá HN. Xét theo quan hệ lao động xã hội, bầu Kiên không thể yêu cầu cầu thủ, khi anh ta không còn ràng buộc với đội nhà. Chưa hết, ông Kiên còn yêu cầu BHL đưa Thanh Trung xuống đội trẻ để kỷ luật.
Với màn thể hiện tại VPF lẫn CLB như thế, cái tầm, cái tâm của ông Kiên với nền bóng đá VN đang bị đặt dấu hỏi. Phải chăng ông bầu này lại thích “chém gió” và chỉ thực hiện cuộc cách mạng nửa vời?
Ý kiến bạn đọc