Tranh cãi AVG và VPF: "Công lý" thuộc về ai?

07:25, 07/01/2012
|

(VnMedia) - Với những lập luận của riêng mình, VFF (đứng sau AVG) lẫn VPF đều khẳng định mình có quyền quyết định việc sử dụng bản quyền Super League và V-League II. Nhằm giúp cho bạn đọc tìm hiểu ai đúng, ai sai trong cuộc chiến này, VnMedia tóm tắt những luận điểm mà VFF lẫn VPF đang sử dụng trong trường hợp đôi bên ra toà đấu lý. 

AVG thắng nhờ "quyền lực" từ VFF?

Theo quy định từ LĐBĐ thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Á (AFC), VFF là tổ chức duy nhất đủ quyền tổ chức, quản lý các giải đấu tại Việt Nam. Bản thân nhiệm vụ, quyền hạn của VFF cũng được quy định tương tự ở điều 57 và điều 73 Luật thể dục thể thao. Dù VPF có ra đời dưới sự đồng ý của Bộ Nội vụ và do Sở Công thương Hà Nội trực tiếp quản lý, VFF vẫn là cơ quan nắm quyền chủ sở hữu đúng theo quy chế FIFA, AFC.

Riêng trong vấn đề quản lý truyền hình, Điều lệ VFF được sửa đổi năm 2010, vốn được các CLB thông qua cũng quy định ở điều số 4, về việc sở hữu các quyền phát sinh trong đó có bản quyền truyền hình và VFF được quyền trao quyền sử dụng phấn phối hình ảnh, âm thanh, băng hình các trận đấu. Ngay trong điều 74 Điều lệ VFF sửa đổi năm 2010, VFF cũng có quyền trao quyền sử dụng cho đối tác và không có giới hạn thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý. Dưa trên quan điểm này VFF có thể khẳng định việc ký kêt 20 năm HĐ là không sai.

Theo định hướng của Chính phủ, từ năm 2015 hệ thống truyền hình của Việt Nam phải được số hóa. Theo đánh giá từ VFF, AVG là đơn vị đi tiên phong và cũng đầu tư rất lớn cho hệ thống truyền dẫn phát sóng. Với lợi thế số kênh có thể phát sóng cùng một lúc và chất lượng hình ảnh cao, AVG có thể đáp ứng yêu cầu của VFF cũng như các đội bóng về quảng bá hình ảnh cho các giải đấu của như bóng đá Việt Nam

Ảnh minh họa
VFF khẳng định mình đúng luật khi bắt tay ký bản quyền truyền hình với AVG 

VFF khẳng định đã xin phép các cơ quan quản lý (Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT) và nhận được sự chấp thuận để ký hợp đồng với AVG. Nghị quyết của BCH VFF họp tại Nha Trang ngày 5/7/2010 cũng thống nhất quan điểm sẽ ký hợp đồng với AVG. Nghị quyết của phiên họp BCH VFF và Đại hội thường niên VFF ngày 7/12/2010 cũng đồng ý với chủ trương ký hợp đồng với AVG. Tại Đại hội thường niên ngày 7/12/2010 có đại diện các CLB và họ đã thống nhất biểu quyết ủng hộ chủ trương của VFF là ký hợp đồng với AVG.

Quan điểm cuối cùng, VFF khẳng định VPF cũng chỉ là đơn vị được VFF trao quyền quản lý giải đấu. Còn lĩnh vực bản quyền truyền hình, VFF trao quyền chỉ AVG, chứ VPF không có quyền "lấn sân" sang lĩnh vực bản quyền truyền hình vốn của VFF 

VPF thắng nhờ tiếng nói từ các CLB? 

Theo VPF, cũng trong khoản 2 điều 53 Luật thể thao, VFF, các CLB và các tổ chức cá nhân khác (ở đây là VPF) cũng là chủ sở hữu giải thể thao do mình tổ chức. Đồng nghĩa việc này, VFF không phải độc quyền mà các CLB, VPF đều có quyền quản lý giải đấu như VFF. Việc VFF khẳng định mình có quyền ký HĐ với AVG cũng vi phạm Luật dân sự, khi VFF không có được sự ủy quyền bằng giấy tờ, văn bản từ các đồng sở hữu (CLB, VPF).

Về phía VPF khẳng đình mình hoạt động theo điều lệ của Luật doanh nghiệp chứ không phải từ phía VFF. Ngay sau khi thành lập HĐQT, VPF chính thức thay thế VFF quản lý, tổ chức Super League và V-League II, đồng nghĩa việc toàn quyền quản lý việc khai thác hình ảnh, băng hình từ giải đấu thay VFF. Đồng nghĩa việc này, HĐ VFF và AVG ký cũng không còn hiệu lực, khi VPF mới là người đóng vai trò quản lý.

VPF ra đời theo hình thức cổ phần hóa, với các cổ đông là các CLB lẫn VFF. Theo quy định VFF cũng chỉ là thành viên nằm trong HĐQT của VPF. Trong lễ ký kết hợp đồng truyền hình giữa VFF và AVG, VPF khẳng định VFF chưa có giấy ủy quyền từ tất cả các CLB chuyên nghiệp. Ngay trong việc báo cáo lên Bộ VH,TT&DL, VFF không thông báo thời gian ký kết lên đến 20 năm. VPF khẳng định chưa có một văn bản pháp quy nhà nước nào chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp bản quyền truyền hình AVG.

Ảnh minh họa
VPF khẳng định VFF đã không có giấy ủy quyền của toàn bộ các CLB

Dựa trên Luật báo chí, tính thời điểm ký HĐ vào ngày 7/12/2010, AVG vẫn chưa hoàn thành việc hoàn tất trở thành nhà đài chính thống như VTV, VTC, VCTC... Nên theo luật báo chí, AVG mới chỉ là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực truyền hình, chứ chưa phải nhà đài đủ thẩm quyền đứng ra ký kết và phân chia gói bản quyền cho các đài khác.

Quan điểm của VPF khẳng định mình là mới là tổ chức nhận được sự ủy quyền của các CLB chuyên nghiệp. Chưa kể việc VPF đã thay thế VFF nắm quyền quản lý tổ chức giải đấu. Đồng nghĩa việc này, VPF mới là tổ chức danh chính ngôn thuận có quyền quyết định chọn nhà đài đầu thầu các giải đấu, chứ không phải là VFF.


Phan Anh

Ý kiến bạn đọc