(VnMedia) - Cuộc chiến bản quyền truyền hình thực sự đến hồi cao trào khi VPF sẵn sàng ra tòa để đấu lý. Trước cảnh bị VPF qua mặt liên tục thời gian qua, VFF "nóng mặt" và sẵn sàng lấy lại quyền kiểm sát Super League lẫn V-League II, để cho bõ "ghét".
Sau khi Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tung ra những "bằng chứng thép" khẳng định việc VFF ký hợp đồng truyền hình lên 20 năm là sai nguyên tắc. Đồng thời bầu Kiên thay mặt HĐQT gửi công văn lên các ban ngành quản lý VFF, để mong muốn cấp lãnh đạo đầu ngành thể thao đứng ra xử lý cuộc chiến 3 bên giữa VFF-VPF- AVG. Nếu dựa trên những báo cáo từ VPF, VFF đã làm sai quy định và khiến cho AVG có thể độc quyền trong việc thu âm phát thanh, ghi hình, phát sóng các trận đấu tại giải quốc nội.
Chưa khi nào, "thành trì" VFF lại bị tấn công dữ dội, với cường độ mạnh đến như vậy. Việc Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn thoái lui, rồi VFF nhượng bộ các CLB trong việc thành lập VPF để thay Liên đoàn tổ chức - quản lý một cách khoa học, công bằng hơn. Dù đã cố gắng che chắn, bảo vệ, lãnh đạo Liên đoàn lại như ngày càng đứng trước cơn sóng dữ. Việc VFF mất quyền kiểm soát giải quốc nội, chứng tỏ sự nhún nhường, thua thiệt từ chính bộ máy đứng đầu làng bóng đá Việt.
Còn phương diện thứ 2, dư luận lẫn các đội bóng không còn tin vào tài năng, sự công minh của VFF. Việc các ông bầu sẵn sàng đứng ra tổ chức giải riêng, khiến danh dự, uy tín của lãnh đạo VFF đã chạm đáy vào thời điểm này. Có thể cảm nhận VFF đang lui về sát góc và cố thủ trong việc giữ bản quyền truyền hình. Nếu mất luôn "miếng bánh ngọt này" VFF gần như chỉ còn là ban bệ, hoạt động cho có và bị tác khỏi hoạt động của bóng đá Việt.
Việc VPF liên tục tung ra những cú đấm có thể làm sụp đổ hệ thống VFF vào lúc này, cũng khiến các lãnh đạo nóng máu. Ngay sau công văn số 06 được gửi chiều 4/1, VFF có ý định "nắn gân" đối thủ của mình trước trận chiến bản quyền. Quan điểm VFF cũng phủ nhận sự có mặt VPF trong việc quản lý các giải đấu trong nước, khi tổ chức này vẫn chưa hoàn tất 2 yêu cầu: VPF hoàn tất thủ tục là thành viên VFF và ký hợp đồng nhận ủy quyền quản lý từ VFF.
VFF "dọa" sẽ lấy lại quyền quản lý Super League từ tay các ông "bầu"
Đồng nghĩa việc này, VPF cũng chịu sử quản lý về mặt tổ chức - quản lý từ VFF, chứ không phải là từ Sở Công thương Hà Nội. Nếu như chấp nhận sử ủy quyền, VPF cũng làm "nghị gật" với đồng ý 20 năm ký kết giữa VFF và AVG. Một mũi tến trúng 2 đích khẳng định VPF chịu sự quản lý của VFF và khẳng định những đơn từ VPF gửi lên cấp quản lý cao hơn là không hoàn toàn đúng luật.
VFF quyết tâm đưa Super League trở lại tay mình?
Có lẽ quá nóng mặt trước hành động VPF, VFF đang quyết tâm lấy lại những gì thuộc về mình. Với những lập luận trong công văn 06, VFF khẳng định mình quyết định quyền quản lý giải đấu và VPF chỉ "được quyền" quản lý, sau khi VFF đồng ý. Về quyền hạn và nhiệm vụ, VFF dựa vào Điều 4: "Sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ giải đấu... bao gồm: các quyền về tài chính, quyền thu thanh, ghi hình, sản xuất", để khẳng định mình mới là đơn vị duy nhất nắm bản quyền truyền hình.
Ngay việc ký HĐ 20 năm cũng hoàn toàn hợp lý dựa trên Điều 75: "VFF là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác phân phối hình ảnh, âm thanh và dữ liệu... và không có giới hạn nội dung, thời gian, địa điểm và các vấn đề kỹ thuật".
Cuối cùng VFF ra "tối hậu thư" buộc VPF phải hoàn thành 2 nhiệm vụ gia nhập và ký HĐ nhận sự ủy quyền của VFF, mới được đứng ra quản lý Super League và V-League II. Nếu dựa vào quan điểm này, chẳng khác gì VPF cũng chỉ là "tấm bình phong", còn VFF mới là người quyết định quyền sinh, quyền sát tại giải đấu quốc nội. Đồng nghĩa việc ấy, VPF bị "việt vị' trong tư tưởng cải tổ giải đấu, khi bị trị dưới sự sai khiến VFF.
Còn trong trường hợp VPF không đồng ý 2 yêu cầu trên, VFF sẽ tước quyền quản lý từ VPF và trở lại nắm quyền như cũ. Một sức ép cực lớn theo kiểu "nước đôi" buộc VPF phải đồng ý về bản quyền truyền hình.
Với những căn cứ trong tay, VFF không chí nói suông, mà còn khẳng định ngầm mình sẽ trở lại sở hữu Super League. Nếu VPF không có bằng chứng thay đổi lập luận trên, "giấc mơ" cải tổ giải quốc nội của số ông "bầu" trở thành công cốc, khi có vẻ VFF đã "ghét" VPF và quyết tâm loại bỏ tổ chức này khỏi tầm mắt của mình.
Ý kiến bạn đọc