(VnMedia) - Qua nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, cáo trạng, Luật sư Trần Chí Thanh – Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị hại – đã khẳng định, bản Cáo trạng truy tố Lê Văn Luyện đúng nhưng chưa đủ. Luật sư Thanh đã chỉ ra những “điểm mờ” trong vụ án nghiêm trọng này.
Luật sư Trần Chí Thanh trong phiên xét hỏi tại Tòa |
Thứ nhất, Cáo trạng chưa thể hiện và nêu rõ, đến thời điểm nào thì những người liên quan đến vụ án biết được về sự vụ này. Bởi lẽ, ngay sau khi vụ án được mọi người phát giác thì những thông tin ấy đã được lan truyền khắp phố Sàn và các vùng lân cận, những người tham gia giúp sức cho bị cáo Luyện không thể không biết. Vậy nên, các bị cáo khác ngoài tội danh đã bị VKS truy tố, rất nhiều khả năng còn là đồng phạm giúp sức cho Luyện.
Thứ hai, Cáo trạng có nêu: “Bị cáo Luyện đi xuống tầng 1 soi đèn pin thấy trong tủ kính có nhiều vàng nhưng tủ đã khóa, Luyện không dám đập kính để lấy vàng vì sợ phát hiện…Bị cáo Luyện quan sát thấy hệ thống Camera, chuông báo động chống trộm, cầu giao điện ở gần tường nên đã ngắt cầu dao điện và rút dây đường chuyền của máy Camera rồi quay lên tầng 2…”. Theo Luật sư Thanh, ở nội dung này, bị cáo Luyện đi xuồng tầng 1, soi đèn pin thì tại thời điểm này đương nhiên hệ thống Camera, chuông báo động chống trộm, cầu giao điện ở gần tường chưa bị ngắt, nên nội dung trong phần Băng lưu của ổ cứng phải thể hiện có hay không hình ảnh của Luyện, ánh đén pin soi của Luyện.
Ngược lại, bị cáo Luyện đứng ở khoảng cách không nằm trong phần tia quét hình ảnh của Camera thì làm sao Bị cáo Luyện lại biết được “Trong tủ kính có nhiều vàng nhưng tủ đã khóa, Luyện không dám đập kính để lấy vàng vì sợ phát hiện”. Điều này khẳng định, bị cáo Luyện đã xuống tận nơi, đứng cạnh tủ kính và soi vào tủ kính thấy vàng trong tủ nhưng tủ khóa. Y đã tính toán rằng, nếu đập tủ thì sẽ bị chủ nhà phát hiện, khi đó chợt phát hiện có Camera chuông báo động chống trộm, cầu giao điện ở gần tường nên đã ngắt cầu dao điện và rút dây đường chuyền của máy Camera rồi quay lên tầng 2 thì mới hoàn toàn logic.
Với việc đột nhập vào nhà bằng cách cạy cửa ở lan can tầng 3, thông thạo vị trí bên trong, lại biết các chỗ để ngắt điện camera cùng hệ thống báo động thì với trình độ một thanh niên nông thôn mới học hết cấp 2, đi làm thợ hồ như Luyện lại tinh tường như thế là "điều rất phi lý". Hơn nữa, bị cáo Luyện phát hiện có Camera, chuông báo động chống trộm để đi tìm chỗ ngắt cầu dao điện và rút dây đường chuyền của máy Camera thì chắc gì cầu dao điện đó ngắt được Canera. Điều này cáo trạng vẫn chưa được làm rõ.
Thứ ba, cáo trạng nêu: “Khoảng 8h ngày 24/8/2011, Hồng đi xe máy từ nhà ra cổng trường cấp 3 gặp Luyện (trước đó Luyện gọi điện thoại hẹn Hồng ra đón)”. Luật sư Thanh cho rằng, bị cáo Hồng đến đón bị cáo Luyện trong trường hợp này có sự không minh bạch. Liệu có hay không việc bị cáo Hồng nhận điện thoại có hẹn trước và hẹn khi nào xong, Luyện gọi thì ra đón Bị Luyện.?
Bị cáo Luyện khi gây án trong nhà nạn nhân, tỏ ra rất chuyên nghiệp và khi thoát ra ngoài cổng vẫn bình tĩnh, không tỏ ra run sợ. Điều này trái với tâm lý tội phạm thông thường. Sau khi gây án, lẽ thường kẻ thủ ác phải đi một nơi xa để băng bó vết thương ở ngón tay, bởi chỉ cần một dấu vết để lại cảnh sát cũng có thể truy tìm ra. Tuy nhiên, bị cáo Luyện không làm như vậy mà lại đi bộ ra ngoài đường, bình tĩnh đứng chờ người thân là bị cáo Hồng đến đón, rồi đưa đến trạm xá gần nhà băng bó vết thương và lại khai đầy đủ tên thật trong sổ theo dõi. Đây phải chăng là hành vi đồng phạm giúp sức mà cáo trạng chưa làm rõ.
Nụ cười ruồi khiến dư luận "dậy sóng" của Lê Văn Luyện tại phiên xét xử |
Thứ tư, lời khai vào lúc 17h ngày 31/8/2011, bị cáo Luyện khai sau khi giết xong mọi người thì bị cáo Luyện đi lên tầng 2, lắp sim điện thoại vào máy điện thoại di động của anh Ngọc rồi gọi điện cho bị cáo Hồng đến đón”. Nhưng tại Cáo trạng lại nêu, bị cáo Luyện sau khi giết xong mọi người thì bị cáo Luyện ra phòng bếp, lắp sim điện thoại vào máy điện thoại di động của anh Ngọc rồi gọi điện cho bị cáo Hồng đến đón. Thời gian lúc này là 7h30 phút sáng. Như vậy, nội dung này không giống nhau.
Điều quan trọng hơn, thời tiết ngoài trời đã sáng rõ. Bởi theo lời khai của cháu Bích vào hồi 11 giờ ngày 31/8/2011, thì buổi sáng ngày xảy ra vụ án mạng, cháu Bích thức dậy thấy không có điện, khi ấy anh Ngọc bảo cháu dậy để đi học không sẽ bị muộn. Hơn nữa, khi cháu Bích bị chém đứt bàn tay đã cố gắng gọi điện đến công an 113 để thông báo gia đình bị cướp thì lại được hướng dẫn là gọi cho công an huyện. Sau đó, cháu Bích nhận được điện thoại của người thân và kịp thông báo vụ việc.
Vấn đề ở đây đó là cáo trạng vẫn chưa làm rõ một cách logic đó là tại sao một thanh niên chưa tròn 18 tuổi như Luyện lại một mình lọt vào tiệm vàng và hành động một cách bài bản như vậy.
Thứ năm, sau một khoảng thời gian dài vật lộn, đánh nhau với hai vợ chồng anh Ngọc, rồi giết chết cả nhà họ, chém cháu Bích gần chết nhưng Luyện vẫn đủ tự tin, bình tĩnh quay trở lại tầng 3 và bước qua xác hai vợ chồng anh Ngọc để vào phòng ngủ tầng 3, lấy ba lô, thu xếp hung khí, thậm chí là bình tĩnh đến mức vào nhà vệ sinh tầng 3 để rửa chân tay, dao, giặt quần áo. Tiếp đó, y đi xuống tầng 1, vào nhà vệ sinh lấy giấy quấn vết thương ở ngón tay, sau đó bình tĩnh lấy vàng cho vào ba lô.
Điều này khẳng định, Luyện đã được chuẩn bị về lý trí và tinh thần từ trước để thực hiện hành vi trong trường hợp buộc phải trở thành kẻ thủ ác xuống tay giết cả nhà anh Ngọc. Vậy việc khích lệ, chuẩn bị về lý trí và tinh thần ấy có ai đồng phạm hay không, có ai đó giúp sức cho Luyện để y có đủ tâm lý, tinh thần và bình tĩnh thực hiện toàn bộ hành vi một cách quá bài bản hay không? Vấn đề này hồ sơ và cáo trạng chưa được làm rõ.
Toàn Trung
Ý kiến bạn đọc