Cảnh giác với xu hướng tội phạm phức tạp 2012

06:22, 31/01/2012
|

(VnMedia) – Năm 2011 đã khép lại với nhiều biến động, đặc biệt trong đời sống pháp luật. Trên cơ sở tổng kết năm cũ, VnMedia xin đưa ra những thông tin dự báo về xu hướng các loại tội phạm trong năm 2012.

Cướp tiệm vàng

Ảnh minh họa

Vàng vẫn sẽ là tâm điểm dòm ngó của tội phạm


Năm 2011, dư luận cả nước bàng hoàng khi thông tin về vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, vào khoảng 9h sáng nay 24/8/2011, người dân và cơ quan chức năng đã phát hiện 3 thi thể người chết và 1 cháu nhỏ bị thương nặng tại tiệm vàng Ngọc Bích, ở phố Sàn xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Tỉnh Bắc Giang.

Nạn nhân chết được xác định là vợ chồng anh Ngọc và chị Chín (chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc Ngọc – Bích) cùng con gái 18 tháng tuổi. Cô con gái lớn đang học tiểu học thì bị hung thủ chặt đứt cánh tay. Hung thủ được xác định và bắt giữ là Lê Văn Luyện, sinh sống tại nơi xảy ra án mạng không xa. Phiên xét xử kẻ giết người, cướp của này đã diễn ra. Luyện nhận mức án 18 năm tù nhưng nhiều người cho rằng đó chưa thỏa đáng với tội ác dã man y đã gây ra.

Sau vụ giết người, cướp vàng man rợ xảy ra tại Bắc Giang, vấn đề an ninh tiệm vàng trở thành đề tài “nóng”, các thiết bị chống trộm cướp cháy hàng, nhà nhà, người người nơm nớp lo về sự an nguy của mình.

Những tưởng rằng sự cảnh giác cao độ của người dân sẽ trấn áp được sự manh động của loại tội phạm này. Nhưng trên thực tế, sau vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, ở một số đô thị lớn, các vụ cướp vàng vẫn diễn ra, thậm chí là có nhiều tình tiết manh động, táo tợn hơn. Khoảng 9h sáng ngày 7/10/2011, Vũ Tuấn Anh (SN 1990, trú tại phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến khu vực chợ Mơ tạm trên phố Kim Ngưu để mua dao và túi xách với giá 150.000 đồng để làm công cụ tiến hành vụ cướp. 15h cùng ngày, khi đi qua phố Minh Khai, đối tượng này phát hiện cửa hàng Kim Phụng chỉ có một người bán hàng. Thấy vậy, Tuấn Anh đã mặc áo mưa, đeo khẩu trang đi vào nhằm mục đích khi gây án xong sẽ không bị phát hiện. Tại đây, Tuấn Anh vờ hỏi mua một số đồ trang sức. Khi chủ của hàng sơ hở, Tuấn Anh đã rút dao, đe dọa và yêu cầu cho hết vàng vào túi xách. Ngay sau đó, kẻ gian dùng dao đập vỡ mặt kính để cướp vàng. Nhân lúc, Tuấn Anh sơ hở, chủ cửa hàng đã lao vào vật lộn và khiến con dao trên tay hung thủ rơi xuống đất. Hoảng sợ, tên cướp bỏ chạy ra ngoài, bị chủ tiệm vàng và người dân bắt giữ.

10h30' ngày 21/10/2011, một thanh niên bịt khẩu trang đi vào tiệm vàng Tín Huy (ở Tổ dân phố 1, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cướp đi một lượng vàng khá lớn, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Khoảng 19 giờ một ngày cuối năm 2001, khi vợ chồng chủ tiệm vàng Thanh Tâm (thị trấn Củ Chi, TP.HCM) dọn hàng đi về nhà trên xe gắn máy thì bị cướp tấn công. Bọn chúng bắn người chồng bị thương, xô ngã xe rồi cướp túi vàng. Trên đường tẩu thoát, chúng tiếp tục nã đạn để uy hiếp những người truy đuổi. Chiều 4/1/2012, tên cướp bịt khẩu trang, cầm búa xông vào hiệu vàng Kiều Ngọc, (đường Đặng Dung, Hà Tĩnh) đập vỡ tủ kính lấy đi hàng chục chỉ vàng.

Năm 2011 đã khép lại với nhiều biến động về mặt hàng vàng. Dù giá vàng có thời điểm đi xuống, thậm chí được các chuyên giá đánh giá là “chạm đáy” nhưng giá trị kinh tế của vàng vẫn rất lớn, đủ khiến tội phạm lu mờ, lóa mắt nảy sinh lòng tham chiếm đoạt. Bởi vậy, trong năm 2012, vàng vẫn có thể là tâm điểm chú ý của những tên cướp. Nâng cao ý thức phòng chống loại tội phạm này chính là cách bảo vệ sự an toàn về tính mạng và tài sản hữu hiệu nhất.

Cơn bão “tín dụng đen” còn hoành hành

Ảnh minh họa

Cần nói "không" với tín dụng đen


Huy động vốn với lãi suất cực cao - bản chất của “tín dụng đen” không phải là điều mới mẻ, nhưng năm 2011 vừa qua, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các tổ chức ngân hàng, tín dụng thắt chặt các khoản vay thì “tín dụng đen” càng bùng nổ và phát huy hết công suất của nó.
 
Theo thống kê của Công an thành phố Vinh (Nghệ An), tính đến ngày 5/12, trên địa bàn thành phố Vinh đã xảy ra 47 vụ vỡ nợ. Trong đó có nhiều công ty, doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Đức Anh (phường Hưng Bình) vỡ nợ 28 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Mỹ Vân (phường Lê Lợi) 20 tỷ đồng… Tuy nhiên đây mới chỉ là danh sách cơ quan công an thống kê được. Theo Thượng tá Trần Sỹ Phàng - Phó trưởng Công an thành phố Vinh - trên địa bàn thành phố còn có khoảng 20 trường hợp khác chưa có số liệu chi tiết với số tiền vỡ nợ có thể lên tới 200 tỷ đồng. Còn thống kê sơ bộ của Công an Hà Nội, trong năm 2011, trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 20 vụ vỡ nợ lớn nhỏ, từ hơn 3 tỷ đồng cho đến hơn 200 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2011, cả nước có hơn 60 vụ vỡ nợ, chủ yếu diễn ra ở khoảng 10 địa phương. Hà Nội, TP HCM tập trung nhiều nhất, nhưng cũng có cả ở những vùng kinh tế chưa phát triển. Vụ vỡ nợ lớn nhất lên tới 500 tỷ đồng.

Tâm lý hám lợi, ham giàu khiến cho nhiều người dân sẵn sàng ném tài sản của mình vào vòng xoáy “tín dụng đen”. Người này vay của người kia rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn, cứ thế tạo thành đường dây “tín dụng đen” đa cấp. Khi đường dây vỡ, tất cả cùng ngắc ngoải.

Năm 2011 qua đi với sự “càn quét của cơn bão tín dụng đen”, khiến cho bao người lao đao, bao gia đình mất Tết bởi nợ nần chồng chất. Thế nhưng, hoạt động “tín dụng đen” vẫn chưa hề chấm dứt, vẫn như một thế giới ngầm đầy sôi động. Rất có thể, trong năm 2012 này, nhiều đường dây tín dụng đen bị vỡ, sẽ lộ chân tướng những kẻ huy động tiền của người khác để mua sắm sự giàu sang, phú quý cho mình.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia về Pháp luật thì trong số các vụ vỡ nợ, khó có thể xứ lý hình sự đối với những kẻ huy động vốn với lãi suất cao. Bởi lẽ, việc gom tiền và cho vay lãi suất cao chủ yếu là thỏa thuận dân sự. Theo luật hiện hành, người trả lãi vay cao gấp 10 lần lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước (14%) thì xử lý hình sự. Nếu dưới mức 140% một năm chỉ là giao dịch dân sự. Trong trường hợp người vay tiền vỡ nợ nhưng vẫn tiếp tục đi vay thì mới có thể chuyển thành án hình sự. Vì vậy cho nên, mọi người chỉ có thể bảo toàn tài sản của chính mình bằng sự hiểu biết và việc nói “không” với “tín dụng đen”.  
  
Súng bắn đạn hoa cải 
 
Ảnh minh họa

Súng bắn đạn hoa cải gây sát thương trên diện rộng


Súng bắn đạn hoa cải (gọi tắt là súng hoa cải) nguyên dạng dài 70 - 80 cm, dùng để bắn đạn mạt sắt, đạn chì hoặc những viên bi sắt nhỏ. Khi bắn, đạn trong nòng súng tỏa ra theo chùm như hoa cải nên giới giang hồ đặt tên là “súng hoa cải”, hay còn gọi là súng bắn đạn ghém. Do chiều dài của súng bất tiện, dân giang hồ thường cưa nòng súng chỉ còn 30 - 40 cm cho dễ cất giấu và tiện gây án.
 
Thời gian qua, đã từng xảy ra vụ bắn chết 6 người ở cảng Làng Khánh, tỉnh Quảng Ninh, gây bức xúc dư luận. Thủ phạm của vụ án là các băng nhóm giang hồ ở Quảng Ninh đã sử dụng súng hoa cải làm phương tiện gây án.
Ngoài ra, còn có vụ nhóm của Nguyễn Công Tư (tức Tư “càng”, SN 1987, ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) do mâu thuẫn trong việc bảo kê sòng bạc với nhóm của Đỗ Anh Tú (tức Tú “tiêu”, SN 1976) nên đã hẹn nhau “sống mái” tại phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân. Hậu quả: Tư “càng” bị nhóm Tú dùng súng hoa cải bắn chết.
 
Gần đây nhất, ngày 2/1/2012, hai đối tượng Đỗ Văn Sơn và Hoàng Văn Nam đã dùng súng chống trả lại sự truy đuổi của các chiến sỹ cảnh sát cơ động - Công an TP Hải Phòng. Hậu quả, 2 chiến sỹ CSCĐ bị bắn chết và trọng thương nặng. Khám xét đối tượng, lực lượng công an thu giữ một khẩu súng K59 có 5 viên đạn, có 1 viên đã lên nòng; một khẩu súng bắn đạn hoa cải và 3 viên đạn, trong đó có 1 viên đã lên nòng.
 
Hiện nay, chế tài xử phạt các đối tượng sử dụng loại súng này còn nhiều bất cập, hơn nữa nguồn cung của loại súng bắn đạn hoa cải lại rất dễ kiếm, đặc biệt là nguồn từ biên giới về. Bởi thế, rất có thể năm 2012 này, sẽ là năm xảy ra nhiều những vụ án sử dụng vũ khí bắn đạn hoa cải này. Người dân cần có tinh thần cảnh giác, tố cáo những kẻ sử dụng súng bắn đạn hoa cải với cơ quan chức năng, cùng với cơ quan chức năng bài trừ loại vũ khí sát thương này ra khỏi đời sống xã hội.


Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc