(VnMedia) - Nếu đối tượng có ý định giao cấu nhưng không giao cấu được do khách quan thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS), Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS) hoặc giao cấu với trẻ em (Điều 116 BLHS)
Những ngày qua, dư luận rúng động bởi vụ bảo vệ một trường tiểu học bán trú dâm ô hơn 20 nữ học sinh. Sự việc nghiêm trọng này xảy ra tại Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Các em học sinh bị xâm hại đều ở từ 5 đến 10 tuổi, là người dân tộc thiểu số. Nghi phạm được xác định là Đỗ Văn Nam (SN 1981, quê Hà Nam), đã có vợ con.
Ảnh minh họa |
Phạm tội gì?
Liên quan đến vụ việc trên, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) về việc xác định tội danh của đối tượng thực hiện hành vi dâm ô.
Theo luật sư Thơm: những năm gần đây tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên phạm vi cả nước đang có chiều hướng gia tăng về số lượng các vụ việc và đối tượng bị xâm hại. Tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Đa phần các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ quen biết với trẻ. Chúng sử dụng các thủ đoạn khác nhau như: tấn công bất ngờ, mua chuộc, dụ dỗ, khống chế, ép buộc,…
Xâm hại tình dục hiện nay không chỉ gia tăng ở Việt Nam mà còn đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã qui định nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Luật pháp Việt Nam đã qui định cụ thể các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được coi là tội phạm và xử lý nghiêm minh theo qui định của Nhà nước Việt Nam.
Luật sư Thơm viện dẫn: Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 qui định: Điều 34 "Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Vì mục đích này, các quốc gia thành viên phải đặc biệt thực hiện mọi biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa; 1. Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào; 2. Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; 3. Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn hay trong các tài liệu khiêu dâm.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 qui đinh: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (Điều 37)
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004: Các hành vi bị nghiêm cấm: “Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em” (Điều 7)
Nghị định số 71/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Điều 6 quy đinh về các hành vi vi phạm quyền trẻ em: Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em
- Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác, dùng thủ đoạn nói dối, gian lận, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm hoặc chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.
- Dẫn, chỉ dẫn, môi giới, tổ chức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí nơi để trẻ em hoặc sử dụng trẻ em hoạt động mại dâm, để trẻ em chứng kiến, tham gia phục vụ hoạt động mại dâm.
- Cho trẻ em tiếp xúc với sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông, đồ chơi, trò chơi, đồ dùng có nội dung khiêu dâm; tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Ở vụ việc này, hành vi phạm tội của đối tượng bảo vệ trong vụ việc này đã xâm hại đến sự phát triển không bình thường về thể chất và tâm sinh lý của trẻ em, ngoài ra còn ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, gây hoang mang lo lắng cho bố mẹ các cháu bé và gây bất bình trong dư luận xã hội.
Đối tượng bị xâm hại trong vụ việc này là các cháu học sinh đang ở lứa tuổi trẻ em theo qui định tại Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi.” Do vậy cần phải xem xét xử lý đối tượng tương ứng với hành vi gây ra theo qui định của pháp luật.
Theo kết quả xác minh ban đầu, đối tượng bảo vệ đã có những hành vi như: gọi cháu vào phòng cho kẹo rồi đóng cửa lại, bắt các cháu cầm "cái ấy" của chú rồi bắt cho vào miệng cháu. Đối tượng đã thực hành vi với nhiều cháu học sinh cũng với thủ đoạn như vậy.
Xét về hành vi khách quan, đối tượng bảo vệ đã có dấu hiệu phạm Tội dâm ô trẻ em. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.
Tội phạm dâm ô được thể hiện ở hành vi như: sờ, mó, hôn, hít bộ phận sinh dục của trẻ em, dùng bộ phận của mình chà xát với bộ phận sinh dục của trẻ em hoặc bắt trẻ em sờ, mó, hôn, hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý muốn giao cấu với các cháu.
Nếu đối tượng có ý định giao cấu nhưng không giao cấu được do khách quan thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS), Tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114 BLHS) hoặc giao cấu với trẻ em (Điều 116 BLHS)
Hành vi phạm Tội dâm ô không phụ thuộc vào giới tính các cháu bé. Nạn nhân có thể là cháu trai hoặc cháu gái dưới 16 tuổi
Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Xâm hại tình dục trẻ em đa phần xảy ra với các cháu có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở những vùng quê. Đối tượng phạm tội thường là những người quen biết trước (họ hàng, người quen gia đình, thầy giáo, bố dượng, …).
Hiện nay Việt Nam là nước có số lượng người truy cập mạng xã hội lớn trên thế giới. Do đó, các đối tượng phạm tội sẽ lợi dụng qua mạng xã hội để làm quen và xâm hại trẻ em,.. Mặt khác, ảnh hưởng tiêu cực của các trào lưu lối sống buông thả trên mạng cũng sẽ góp phần tác động đến tâm sinh lý của những kẻ phạm tôi. Những đối tượng xấu sẽ có nhiều điều kiện tiếp cận đến các cháu bé để thỏa mãn các nhu cầu tình dục bằng thủ đoạn như dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, …
Hành vi lan truyền các văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn khiêu dâm những năm gần đây gia tăng rất nhanh và khó ngăn chặn vì chúng được đặt các máy chủ bên nước ngoài. Đây cũng là một nhân tố có tác động gia tăng các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Do đó, rất nhiều trẻ em đã bị lôi kéo vào những vụ xâm hại tình dục khi tiếp xúc với những loại hình độc hại đó.
Vậy câu hỏi đặt ra là có giải pháp gì để có thể ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em?
Theo luật sư Thơm, cần giáo dục kỹ năng sống của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Quản lý giáo dục các cháu khi tiếp xúc với mạng xã hội.
Đối với các cơ sở quản lý giáo dục liên quan đến trẻ em thì cần kiểm tra chuyên môn, nhân thân người tiếp xúc với trẻ. Thường xuyên giáo dục ý thức chấp hành đạo đức và pháp luật. Cương quyết đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức, lối sống không lành mạnh của những người gần gũi với trẻ em.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật về những hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em để nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa những đối tượng đã và đang có ý định thực hiện.
Điều 116. Tội dâm ô đối với trẻ em
1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ý kiến bạn đọc