8 quyền và 2 trách nhiệm người tiêu dùng nên biết

13:42, 17/09/2015
|

(VnMedia) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản và 2 trách nhiệm để bảo đảm an toàn, tránh gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính mình.

Câu chuyện xảy ra tại cơ sở bánh ngọt Bảo Phương khiến không ít người tiêu dùng sốc, giật mình bởi từ nhiều năm nay, vào dịp Tết Trung ,người dân Hà Nội thường xếp hàng dài trước cơ sở này chỉ để mua bánh trung thu vì tin tưởng vào chất lượng truyền thống mà không biết rằng họ - những thượng đế đang được thưởng thức những chiếc bánh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

  Ảnh minh họa

 Đoàn thanh tra đã phát hiện ra hàng loạt các sai phạm tại cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương


Vấn đề này một phần là do người dân không nắm bắt được các quy định về quyền lợi đối với các sản phẩm tiêu dùng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, căn cứ theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản.

Thứ nhất là đ
ược bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;  Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng;  Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

  Ảnh minh họa

 Vào dịp Trung thu người qua đường Thụy Khuê đều bị choáng vì dòng người xếp hàng chờ mua bánh của tiệm bánh Bảo Phương (Ảnh: internet)


Theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; 
Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;  Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Người tiêu dùng cũng được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;  Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, đi đôi với quyền, người tiêu dùng có 2 nghĩa vụ chính được quy định tại Điều 9, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về nghĩa vụ của người tiêu dùng là:  Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc