Sắp xét xử lại vụ "quan tài diễu phố"

06:45, 05/05/2015
|

(VnMedia) - Theo dự kiến, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mở lại phiên tòa xét xử theo trình sơ thẩm vụ án “quan tài diễu phố” vào tháng tới...

Ảnh minh họa
Vụ "quan tài diễu phố" chấn động dư luận

Điều tra lại vụ án

Thông tin từ TAND tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan này đang thụ lý hồ sơ vụ án giết người xảy ra trên địa bàn Thành phố Vĩnh Yên vào năm 2013 mà dư luận vẫn hay gọi là vụ “quan tài diễu phố”. Theo dự kiến, phiên tòa xét xử lại vụ án này sẽ diễn ra trong tháng tới.

Trước đó, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 9/2013. Nhóm bị cáo hầu tòa về tội Giết người gồm: Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Định (ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Phùng Đắc Tú, Phùng Mạnh Tuấn (ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc); Đặng Quốc Tú và Nguyễn Văn Bính (ở TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Liên quan đến vụ án này, bị cáo Nguyễn Duy Hiệp, ở TP Vĩnh Yên bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bị truy tố về tội Che giấu tội phạm.

Theo nội dung cáo trạng, khoảng 23h30 ngày 14/3/2013, tại quán ăn đêm ở phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, do uống nhiều rượu, bực tức từ những câu nói trao đổi tại quán nên Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú mỗi người cầm một con dao cùng Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tình, Đặng Quốc Tú, Nguyễn Văn Bính đuổi đánh anh Nguyễn Tuấn Anh.

Thấy anh Tuấn Anh nhảy xuống kênh nước để chạy trốn, các đối tượng chia làm hai nhóm chạy trên bờ kênh dồn đánh anh Tuấn Anh.

Khi nạn nhân trèo lên bờ trái bỏ chạy thì bị Đặng Quốc Tú và Nguyễn Văn Bính đuổi kịp. Sau đó, Phùng Đức Tú cùng Quốc Tú và Văn Bính dồn đánh nạn nhân làm anh này ngả xuống dòng nước đang chảy mạnh. Sau đó, Nguyễn Văn Định và Nguyễn Văn Tình cầm đá ném theo bị hại. Bị đánh, đạp ngã xuống kênh, anh Nguyễn Tuấn Anh đã tử vong do ngạt nước.

Phán quyết cấp sơ thẩm tuyên phạt Phùng Mạnh Tuấn – người bị cáo buộc là đã đạp anh Tuấn Anh (29 tuổi, trú tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), gián tiếp gây ra cái chết của bị hại, nhận án tử hình.

Phùng Đắc Tú nhận án chung thân; Đặng Quốc Tú – người được xem là nguyên nhân dẫn đến cuộc ẩu đả tại quán ăn tối, nhận án chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 20 năm tù giam.

Tháng 3/2014, TAND Tối cao tại Hà Nội xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo và bên liên quan. Sau một ngày xét xử, TAND Tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại theo thủ tục chung nhằm làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vụ án này.

Không thực nghiệm nạn nhân chìm dưới kênh nước

Sau thời gian điều tra lại, cơ quan tố tụng của tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn tất cáo trạng truy tố lại đối với các nghi phạm trong vụ án “quan tài diễu phố”.

Theo đó, Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tình, Đặng Quốc Tú và Nguyễn Văn Bình bị truy tố về tội Giết người.

Nghi phạm Nguyễn Anh Tuấn bị truy tố về tội Che giấu tội phạm. Còn Nguyễn Duy Hiệp bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm.

Hồ sơ bổ sung của cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc thấy rằng, không có sự thay đổi về nội dung vụ án, vai trò của các bị can và tội danh đã khởi tố.

Các bị cáo bị truy tố tội Giết người với tình tiết định khung tăng nặng và “có tính chất côn đồ”. Riêng Phùng Đắc Tú, Đặng Quốc Tú còn phải chịu thêm tình tiết định khung tăng nặng là “tái phạm nguy hiểm”. Trong quá trình điều tra, các bị can đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, trừ Đặng Quốc Tú.

Tài liệu điều tra bổ sung của cơ quan tố tụng cũng cho biết, trong vấn đề thực nghiệm điều tra, cơ quan điều tra không thể thực hiện được theo yêu cầu của gia đình bị hại vì, trên cơ sở 2 lần khám nghiệm tử thi cơ quan giám định đều xác định nạn nhân tử vong do ngạt nước, không phải do nguyên nhân nào khác; Tại thời điểm bị hại Nguyễn Tuấn Anh bị ngã xuống nước thì mực nước kênh sâu, chảy siết, sức hút nước rất mạnh nên việc bị nước cuốn từ kênh 2A sang kênh 2B là có cơ sở.

Việc thực nghiệm điều tra việc cho người chìm xuống nước chui qua cống 2B của kênh nước là không thể thực hiện vì trạng thái người đóng thế không đủ tiêu chí của nạn nhân thời điểm đó như: uống nhiều rượu, tinh thần hoảng loạn. Ngoài ra không thể đo được lưu lượng dòng chảy, mức độ gió, mực nước thời tiết… thời điểm xảy ra vụ án vì ảnh hưởng đến 113 ha đất nông nghiệp của người dân.

Do vậy cơ quan điều tra không thực nghiệm người dưới nước vẫn đủ cơ sở khoa học để xác định nạn nhân khi bị chìm ở kênh 2A và nước cuốn nạn nhân sang kênh 2B là có cơ sở.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc