(VnMedia)- Theo quy định tại Dự thảo Luật Cảnh vệ đang được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân, những "yếu nhân" được cảnh vệ bảo vệ gồm người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những "yếu nhân" được cảnh vệ
Bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, có khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, bao gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Lực lượng cảnh vệ còn phải thực thi nhiệm vụ tại các khu vực trọng yếu bao gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ; Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình. Giới hạn các khu vực trọng yếu quy định tại khoản này do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Ngoài việc bảo vệ những yếu nhân, lực lượng cảnh vệ phải thực thi nhiệm vụ tại các khu vực trọng yếu. Ảnh minh họa.
Đối với các sự kiện đặc biệt quan trọng, gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị trong nước, quốc tế; các lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; Diễu binh, duyệt binh cấp quốc gia; diễn tập tác chiến, chiến lược, tác chiến phòng thủ quốc gia.
Căn cứ vào yêu cầu chính trị, an ninh trong từng giai đoạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Lực lượng Cảnh vệ lấy từ đâu?
Theo quy định tại Dự thảo Luật Cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ bao gồm: Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân; Lực lượng Cảnh vệ Quân đội nhân dân. Tổ chức của lực lượng Cảnh vệ do Chính phủ quy định.
Dự thảo Luật Cảnh vệ cũng quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ gồm: Công dân Việt Nam có đủ điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, học vấn, sức khoẻ và trong độ tuổi quy định, nếu tự nguyện thì có thể được tuyển chọn để đào tạo phục vụ lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ.
Quy định tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo dự thảo Luật Cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân có các nhiệm vụ sau đây: Chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với đối tượng cảnh vệ; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống; Hướng dẫn các lực lượng liên quan thực hiện công tác cảnh vệ; Tham mưu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật về cảnh vệ; tổ chức lực lượng phối hợp, hiệp đồng triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác cảnh vệ; Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác cảnh vệ.
Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ Quân đội nhân dân là bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống cho các đối tượng cảnh vệ trong Quân đội; Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cảnh vệ trong quân đội; chủ trì phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đến thăm, làm việc trong khu vực do quân đội quản lý; Phối hợp với lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và các lực lượng liên quan để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ.
Lực lượng Cảnh vệ có trách nhiệm tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ; Giữ bí mật về công tác cảnh vệ; thực hiện các biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Thường xuyên học tập nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện thể lực để hoàn thành nhiệm vụ; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và thủ trưởng cấp trên về những quyết định của mình khi thực hiện công tác cảnh vệ.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Theo dự thảo Luật Cảnh vệ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất phóng xạ, sinh hóa và các chất nguy hiểm khác đe dọa, xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ; Chống lại, cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ khi thực hiện nhiệm vụ; Tụ tập đông người trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ; Làm giả, mua bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ; Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để làm trái công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Các hành vi khác ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và sự an toàn của đối tượng cảnh vệ và sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ khi thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến bạn đọc