4 cựu công an đánh chết người lĩnh án

07:04, 07/05/2015
|

(VnMedia) - Tại phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy không có thêm tình tiết mới, bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội, do vậy, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm...

>> Đánh chết người, 4 cựu công an xã hầu tòa

Ảnh minh họa
Các bị cáo tại phiên xét xử  


Ngày 6/5, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án 4 cựu công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội đánh chết người tại trụ sở.
Theo đó, các bị cáo bị cáo buộc tội Giết người, gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) cùng 3 bị cáo Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983), Hoàng Ngọc Thức (SN 1988, đều nguyên là công an viên xã Kim Nỗ)

Nạn nhân trong vụ án là ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, trú tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ).

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, vào 12h30 ngày 30/8/2012, ông Nguyễn Đức Vọng - Trưởng công an xã Kim Nỗ đã chỉ đạo một số công an viên đến nhà mời ông Nguyễn Mậu Thuận, trú tại địa phương lên trụ sở công an xã để lấy lời khai sau khi nhận được đơn trình báo về việc ông Thuận đánh một người dân.

Tại trụ sở công an xã, ông Nguyễn Đức Vọng đã ra lệnh còng tay ông Thuận đưa vào phòng bắt viết kiểm điểm và giao cho phó CA xã là Hoàng Ngọc Tuyên xử lý vụ việc.

Tuyên hỏi ông Thuận về việc đánh người thế nào nhưng ông Thuận không nhận nên vị phó công an xã này đã tát ông Thuận. Sau đó, công an viên Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991) lấy dùi cui cao su đưa cho Tuyên. Cả hai thay phiên nhau vừa đánh vào đùi, vừa bắt ông Thuận khai nhận. Sau đó, hai công an viên khác là Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) và Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) cùng tham gia vào quá trình xét hỏi.

Do ông Thuận không khai nhận và chửi bới nên Kiên dùng dùi cui thúc mạnh vào ngực khiến ông ngã ngửa ra phía sau, chiếc ghế gỗ bị gãy. Tuyên yêu cầu Tuyến, Kiên, Thức tiếp tục khóa cả hai tay, hai chân ông Thuận vào một chiếc ghế khác.

4 bị cáo sử dụng nhiều hình thức tra tấn như dùng dùi cui đánh mạnh vào hai bên đùi ông Thuận; dùng bút bi kẹp vào khe các ngón tay của ông Thuận rồi bóp mạnh…

Khoảng 16h cùng ngày, Tuyên gọi điện cho ông Vọng báo cáo ông Thuận say rượu không làm việc được. Ông Vọng đến kiểm tra, thấy ông Thuận bị khóa hai chân hai tay vào ghế nên đã ra lệnh đưa ông Thuận lên giường nằm, gọi người đến cấp cứu. Tuy nhiên, khi cán bộ y tế xã đến cấp cứu thì người ông Thuận đã lạnh ngắt, không đo được các chỉ số như nhịp thở, huyết áp…

Được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa Đông Anh, các bác sĩ xác định ông Thuận da lạnh, tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp thở không thấy, đồng tử giãn tối đa, không có phản xạ ánh sáng, ngừng tuần hoàn ngoại biên.

Biên bản giám định pháp y kết luận nạn nhân bị thương tích tụ máu lên hai đùi, mu bàn tay, ngực, gãy xương sườn số 5,6,7 bên phải dẫn đến cái chết do suy hô hấp trên cơ sở nạn nhân có bệnh mạch vành thiếu máu cơ tim, bệnh xơ vòng giai đoạn phát triển…

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2014, HĐXX tòa án nhân dân TP Hà Nội nhận định, việc các bị cáo dùng nhục hình gây ra cái chết cho ông Nguyễn Mậu Thuận làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Do vậy, cần phải có bản án nguyên khắc đối với các bị cáo trong vụ án này.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên 17 năm tù giam; Nguyễn Trọng Kiên 16 năm tù giam; Đoàn Văn Tuyến và Hoàng Ngọc Thức, mỗi bị cáo nhận mức án 8 năm tù giam.

Đối với vấn đề bồi thường dân sự, gia đình bị hại yêu cầu đòi bồi thường 1 tỉ đồng, tuy nhiên tòa sơ thẩm xem xét trên cơ sở pháp lý và đồng ý mức bồi thường của 4 bị cáo trong vụ án này là trên 100 triệu đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bên liên quan đồng loạt kháng cáo, Viện kiểm sát Hà Nội cũng có kháng nghị cho rằng, mức án đối với đối với Hoàng Ngọc Tuyên và Nguyễn Trọng Kiên là không tương xứng với hành vi phạm tội, bởi hai bị cáo này là những người được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an tại địa phương, là những người hiểu biết về pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt tính mạng của công dân, gây đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân. Đặc biệt, hành vi của các bị cáo đã làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ, công bộc của nhân dân, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Sau khi xem xét kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử TAND Tối cao nhận định, tại phiên tòa không có thêm tình tiết mới, bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội. Do vậy, TAND Tối cao quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc