(VnMedia)- Theo quy định tại Thông tư Quy định việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an đang được lấy ý kiến mỗi tháng sẽ tiếp dân một lần.
Bộ trưởng sẽ tiếp công dân định kỳ hàng tháng
Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về Thông tư Quy định việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân. Đây là lần lấy ý kiến thứ 6.
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Về việc tổ chức tiếp công dân, Điều 7 của Thông tư quy định rõ với từng cấp, từ người đứng đầu ngành.
Cụ thể, "Bộ trưởng định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ tại Hà Nội (thời gian cụ thể do Thanh tra Bộ thống nhất với Văn phòng Bộ báo cáo Bộ trưởng quyết định); các ngày khác giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức thực hiện;
Thủ trưởng Công an cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình (thời gian cụ thể do Thủ trưởng Công an cấp tỉnh quyết định); các ngày khác giao cho Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh tổ chức thực hiện;
Thủ trưởng các cục, đơn vị thuộc Bộ; cục, đơn vị thuộc Tổng cục; phòng, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh (nơi bố trí địa điểm tiếp công dân) định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình, các ngày khác thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này;
Thủ trưởng Công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày tại địa điểm tiếp công dân của Công an cấp huyện, các ngày khác thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;
Thủ trưởng Công an cấp phường định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Công an cấp phường, các ngày khác giao cho cán bộ trực ban đơn vị thực hiện.
Tuy nhiên, Thông tư cũng quy định những trường hợp phải Tổ chức tiếp công dân đột xuất.
Theo đó, Thủ trưởng Công an các cấp ngoài việc tiếp công dân định kỳ, còn phải tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau: Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gay gắt, phức tạp; Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến huỷ hoại tài sản của Nhà nước, tập thể; xâm phạm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự; Tiếp công dân theo yêu cầu của cấp trên.
Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Bộ Tư lệnh, Thanh tra Công an cấp tỉnh tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo giờ hành chính vào các ngày làm việc trong tuần. Trường hợp cần thiết hoặc khi Thủ trưởng cấp trên trực tiếp giao, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp tiếp công dân.
Cán bộ từ chối tiếp công dân khi nào?
Điều 11 Thông tư quy định về Quyền của cán bộ tiếp công dân. Theo đó, cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân trong các trường hợp sau: Người đang bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình nhưng không có người đại diện hợp pháp đi kèm; Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích; Người có hành vi gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân; Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy tiếp công dân.
Cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp nhận những khiếu nại, tố cáo trong các trường hợp dưới đây, nhưng phải giải thích rõ lý do từ chối, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật: Những khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân; Những khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài; Những khiếu nại được quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại, những tố cáo được quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo.
Ngoài ra, khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, đông người gây mất an ninh, trật tự nơi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình đề nghị Công an đơn vị, địa phương (nơi đặt địa điểm tiếp công dân hoặc nơi tiếp công dân đột xuất) bảo đảm an ninh, trật tự nơi tiếp công dân, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết cử cán bộ đến phối hợp tiếp, đưa công dân về đơn vị, địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc