(VnMedia) - Liên quan đến vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, cơ quan công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đề nghị truy tố hai đối tượng...
>> Khởi tố vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề
>> Bắt khẩn cấp quản lý trẻ mồ côi chùa Bồ Đề
>> Chùa Bồ Đề không được phép nuôi trẻ bị bỏ rơi?!
>> Trụ trì chùa Bồ Đề bị nhiều người thâm thù?
>> Trụ trì chùa Bồ Đề nói gì về thị Trang?
Hai đối tượng Trang và Nguyệt
Ngày 19/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hà Nội cho biết, cơ quan này đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình) về hành vi mua bán trẻ em.
Theo điều tra, năm 1999, Nguyệt có tình cảm với anh Phạm Văn Khanh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Họ thuê nhà ở quận Hoàng Mai, sống với nhau như vợ chồng. Do không có con chung nên cặp đôi này thường xảy ra mâu thuẫn, để giữ chân người đàn ông này, tháng 3/2012, Nguyệt giả mang thai và anh Khanh không mảy may nghi ngờ.
Thời điểm này, do thường xuyên đi lễ chùa Bồ Đề nên Nguyệt đã gặp và quen Nguyễn Thị Trang người quản lý những đứa trẻ cơ nhỡ đang sống tại chùa. Sau đó Nguyệt nhờ Trang tìm cho một bé trai khỏe mạnh để nhận làm con nuôi, hứa sẽ trả công.
Ngày 25/10/2013, do mang thai với người yêu ngoài ý muốn nên Trần Thị Thu Hà sinh được một bé trai rồi mang đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng, viện cớ là con của bạn, do không có điều kiện nên xin nương nhờ cửa phật.
Tại đây, Hà gặp Trang để làm thủ tục nhận cháu bé và đặt tên là Cù Nguyên Công. Thấy đứa bé này phù hợp với điều kiện của Nguyệt nên cuối tháng 12/2013, Trang liên hệ và đặt vấn đề xin con của Hà đang gửi ở chùa.
Sau khi 2 bên đồng ý, Trang bảo Hà đến chùa Bồ Đề xin lại con để đưa cho mình. Đồng thời Trang báo cho Nguyệt là chùa có một bé trai sơ sinh, nếu muốn nhận nuôi thì phải chi tiền bồi dưỡng.
Đến ngày 2/1/2014, Nguyệt đến nhận cháu Công và đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau đó, Trang chuyển khoản cho chị Hà 10 triệu đồng nói là tiền bồi dưỡng, còn giữ 25 triệu đồng chi tiêu cá nhân.
Mọi chuyện vỡ lở khi anh Nguyễn Thành Long (40 tuổi, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng một số người thân quen tham gia hoạt động từ thiện cho trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề và đã nhận làm cha đỡ đầu của cháu Cù Nguyên Công.
Tuy nhiên, khi anh Long quay lại thì không thấy đứa bé tại chùa nên đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc chùa Bồ Đề bán cháu Cù Nguyên Công, cháu bé mà anh Long đã nhận đỡ đầu.
Kết luận điều tra cũng nêu, sau khi đưa Công về làm con nuôi, Nguyệt đã nhờ người quen làm giấy chứng sinh cho cháu, lấy tên là Phạm Gia Bảo. Ngày 21/6/2014, cháu Công bị bệnh sởi, Nguyệt đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Do bệnh quá nặng nên cháu Công đã mất trong ngày 24/6/2014.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, Nguyệt còn nhận nuôi thêm 2 cháu nữa là Phạm Đức Anh (SN 2012, con của chị Nguyễn Tố Uyên, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) và Phạm Gia Hân (SN 2013; con chị Vũ Hậu Giang, quê ở Thái Bình).
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Đối với nhiều trẻ em; đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e) Để đưa ra nước ngoài; g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; i) Tái phạm nguy hiểm; k) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm. |
Ý kiến bạn đọc