(VnMedia) - Gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn - người chịu án oan 10 năm đã làm việc lần thứ hai với TAND Tối cao về việc đòi bồi thường oan sai với số tiền khoảng 9,3 tỷ đồng...
>> Ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức vô tội
>> Hoãn phiên toà xử kẻ khiến ông Chấn ngồi tù oan
>> Hai thẩm phán vô can trong vụ án oan ông Chấn?
>> Án oan 10 năm: Trả hồ sơ vụ Lý Nguyễn Chung
>> Khởi tố cựu thẩm phán Toà Tối cao vụ ông Chấn
Ông Chấn và vợ tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao.
Ngày 17/3, ông Nguyễn Thanh Chấn (56 tuổi, ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) - người bị án oan 10 năm, đã tới Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội làm việc về việc đòi bồi thường.
Cùng có mặt tại TAND tối cao cùng ông Chấn có bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn), ông Thân Ngọc Hoạt (anh em cọc chèo với ông Chấn) và bà Thân Thị Hải (người sát cánh giúp bà Chiến kêu oan cho ông Chấn).
Đây là lần thứ hai, gia đình ông Chấn lên Hà Nội làm việc với cơ quan chức năng về vấn đề này.
Trao đổi với báo chí, ông Thân Văn Hoạt – người đại diện pháp luật cho gia đình ông Chấn cho biết, cuộc làm việc kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Nội dung chủ yếu là liên quan đến việc gia đình ông Chấn cung cấp những tài liệu liên quan đến vấn đề bồi thường.
Theo ông Hoạt cho biết, phía gia đình cung cấp hơn 100 loại giấy tờ liên quan đến việc đòi bồi thường cho ông Chấn như cuống hóa đơn chuyển phát nhanh, thông báo nhận được đơn từ cơ quan chức năng, hoặc chứng từ thuê xe…
Ông Hoạt cho biết thêm, tại buổi làm việc, cơ quan chức năng cũng bày tỏ mong muốn việc bồi thường cho ông Chấn được xử lý nhanh gọn. Cơ quan chức năng cũng động viên gia đình cố gắng sưu tầm tất cả tài liệu, giấy tờ còn lưu giữ để công việc đền bù oan sai được thuận lợi.
Tổng số tiền gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường cho 10 năm tù oan sai là khoảng 9,3 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm các chi phí tổn thất về tinh thần, tổn thất về sức khỏe bị giảm sút, rồi thu nhập bị mất...; những người thân của ông Chấn cũng chịu tổn thất về vật chất và tinh thần khi ông nhận án oan.
Ngoài ra, trong quá trình tự đi điều tra, đi kêu oan, thăm nom cho ông Nguyễn Thanh Chấn lúc ở tù, người thân của ông Chấn cũng tốn rất nhiều chi phí...
Ông Hoạt cho rằng, việc ông Chấn bị án oan sai đã ảnh hưởng đến cả 4 thế hệ trong gia đình. Gia đình ông Chấn rất muốn sớm được giải quyết nhưng gia đình gặp một số khó khăn liên quan đến việc cung cấp giấy tờ, chứng thiệt hại.“
"Nhìn chung mọi người đều muốn việc bồi thường cho ông Chấn được xử lý nhanh gọn để người đàn ông bị án oan này đỡ khổ", ông Hoạt nói.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, khả năng việc tìm lại các tài liệu liên quan đến bồi thường cho ông Chấn là rất khó khăn nhưng họ vẫn động viên gia đình cố gắng sưu tầm để công việc đền bù oan sai được thuận lợi.
Cùng ngày, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã viết đơn đề nghị liên quan đến việc bồi thường án oan sai của mình gửi Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đơn, ông Chấn nều nêu một số khó khăn trong việc cung cấp, bổ sung giấy tờ liên quan đến yêu cầu bồi thường cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Chấn còn đề nghị, Nhà nước khen thưởng vì gia đình ông Chấn có công làm rõ vụ án oan của ông Chấn. Ông Chấn cũng đề nghị gia đình phải được công khai xin lỗi trước xã hội.
Trước đó, vụ án oan sai xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vào tối 15/8/2003.
Đêm cùng ngày, Chung đi từ nhà đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để mua dầu gội đầu.
Tại đây, Chung nhìn thấy trong tủ kính bán hàng tạp hóa có một chiếc hộp đựng tiền nên đã giết chị Hoan để cướp tài sản. Sau khi gây án, Chung đã bỏ trốn vào Đắk Lắk sinh sống. Người phải gánh chịu án giết người mà Chung gây ra là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 25/10/2013, ông Chấn được giải oan khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Ý kiến bạn đọc