Những vụ án tham nhũng đình đám năm 2014

08:23, 15/02/2015
|

(VnMedia)- Trong năm qua, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.

>> "Bầu" Kiên bị đề nghị giữ nguyên mức án 30 năm tù
>> Vụ xử "bầu" Kiên: Các bị cáo thay đổi kháng cáo
>> Đơn kháng cáo 118 trang của "bầu" Kiên viết gì?
>> Vợ “bầu” Kiên hoàn toàn tin tưởng chồng

Điển hình là vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép”...

Bầu Kiên và bản án 30 năm

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và các đồng phạm bị truy tố về các tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.

Ảnh minh họa

Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh, Chủ toạ phiên Toà đọc bản luận tội

Kết thúc phiên xét xử, Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên, 50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị tuyên y án sơ thẩm với mức án 30 năm cho cả 4 tội danh.

Cụ thể: 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hình phạt là 30 năm tù.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nghe tuyên án

Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

Lê Vũ Kỳ (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB): 4 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù (được giảm mức án 1 năm tù so với cấp sơ thẩm).

Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

Phạm Trung Cang (60 tuổi, phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 3 năm tù tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 2 năm tù giam tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các ngân hàng trong 5 năm kể tù ngày mãn hạn tù.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Từ 15/12/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử vụ án lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank chi nhánh TP.HCM) cùng 22 đồng phạm thực hiện.

Ảnh minh họa

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa.

Mặc dù chỉ có 20 bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị nhưng để phục vụ cho việc xét xử, Hội đồng xét xử triệu tập tất cả 23 bị cáo ra tòa. Phiên tòa kéo dài đến ngày 31/12. Hội đồng xét xử thông báo có tổng cộng 34 luật sư tham dự bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007, Như với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã vay trên 200 tỉ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành.

Năm 2010, vì làm ăn thua lỗ, phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán. Nắm được nghiệp vụ ngân hàng và lợi dụng là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM huy động tiền.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị lừa đảo hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi.

Bị cáo Như bị tuyên án chung thân khi kết thúc phiên xử vào ngày 7/1.

Một số nội dung kiến nghị của tòa phúc thẩm đại án Huyền Như:

* Kiến nghị khởi tố 8 người giúp Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng VIB. Khởi tố bổ sung đối với Trần Thị Tố Quyên.
* Kiến nghị khởi tố vụ án đối với Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương liên quan đến ký kết các hợp đồng tiền gửi của ngân hàng ACB và các công ty để Như làm giả hồ sơ, thực hiện hành vi phạm tội.
* Kiến nghị khởi tố bà Hồng Hạnh (Công ty Phương Đông) ký khống 7 giấy tờ.
* Kiến nghị khởi tố một số cá nhân cho Như vay lãi suất cao.
* Kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư và lãi suất vượt trần.

“Đại án” tại Oceanbank

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 24/10 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP)  Đại Dương (Ocean Bank) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ Luật hình sự.

Ảnh minh họa

Ông Hà Văn Thắm trước khi bị khởi tố, bắt giam.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 20/01/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Minh Thu - Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương về tội danh trên. Ngày 26/01/2015, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn, cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với: Nguyễn Minh Thu (nữ), sinh ngày 04/10/1973, là Ủy viên HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương.

Trước đó, để mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hoàn (37 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng tín dụng Oceanbank).

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay 29/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên 
cho biết, việc ông Hà Văn Thắm bị bắt có nguyên nhân đầu tiên do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát hiện có dấu hiệu bất ổn, nên thanh tra đã thông báo lại cho ông Hà Văn Thắm chuẩn bị khắc phục những bất ổn đó, đưa ngân hàng hoạt động tốt hơn.

Thời gian sau đó, ông Hà Văn Thắm không khắc phục được nên Thanh tra NHNN đã đề nghị cơ quan điều tra tiến hành xem xét, khởi tố. "Vừa qua, Viện kiểm sát phê chuẩn dùng biện pháp ngăn chặn bắt giam ông này. Tội danh của ông Thắm là vi phạm quy định trong cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết.

“Quan điểm của Chính phủ đối với các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế là tốt nhất thận trọng, tạo điều kiện để khắc phục. Khi nào không khắc phục được, dùng biện pháp ngăn chặn khi cần thiết, đó là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Quan điểm của Thủ tướng, Chính phủ không hình sự hoá quan hệ kinh tế khi thấy không cần thiết. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành và sẽ có kết luận trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nên thông tin.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm trong quá trình thực hiện việc giám sát, thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung và OceanBank nói riêng đã phát hiện ra một số sai phạm trong hoạt động tín dụng của ngân hàng này và cá nhân ông Hà Văn Thắm. NHNN yêu cầu ngân hàng này khắc phục sau thanh tra. Tiếp đó, trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, năm 2013 NHNN đã phê chuẩn đề án tái cơ cấu của OceanBank, yêu cầu ngân hàng này thực hiện phương án đó.

Tuy nhiên, quá trình thanh tra tái cơ cơ cấu, thanh tra NHNN đã thấy rằng ngân hàng này chưa khắc phục được sai phạm lại phát sinh sai phạm khác có yếu tố cần phải xử lý hình sự.

Vụ án Vũ Việt Hùng

Theo cáo trạng, trong thời gian 2 năm, từ 2008 - 2010, Vũ Việt Hùng nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lăk - Đắk Nông) ký duyệt trái quy định cho hai doanh nghiệp vay hơn 1 tỷ đồng để hai doanh nghiệp trên chiếm đoạt 357 tỷ đồng. Đổi lại, Hùng được họ tặng một xe ô tô BMW - X6 với trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hùng còn ký khống các giấy tờ giúp sức cho nhiều giám đốc doanh nghiệp chiếm đoạt 580 tỷ đồng của Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng TMCP Nam Á và Sở giao dịch TPHCM - OCB.

Sau khi TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án, 8 bị cáo kháng cáo. Tuy nhiên, căn cứ việc thẩm vấn công khai tại phiên tòa và những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Hội đồng xét xử cho rằng, kháng án của các bị cáo cũng như nội dung bào chữa của các luật sư không có cơ sở.

Hội đồng xét xử cũng bác đề nghị của đại diện OCB về việc chuyển trả số tiền hơn 511 tỷ đồng từ VDB cho OCB, do các bị cáo lừa đảo, vì đây là tang vật của vụ án.
Các bị cáo bị tuyên án.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tuyên y án tử hình đối với Vũ Việt Hùng.

Hội đồng xét xử còn tuyêt phạt Vũ Việt Hùng 10 tỷ đồng sung công quỹ Nhà nước, tịch thu 5 căn nhà và đất đứng tên Vũ Việt Hùng tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) , TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) , TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) và TP. Hồ Chí Minh.

Trong thời gian 15 ngày sau khi tòa tuyên án, Vũ Việt Hùng được quyền làm đơn xin Chủ tịch nước xem xét giảm án. 

HĐXX cũng tuyên 7 bị cáo kháng cáo còn lại là Trần Thị Xuân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân và Nguyễn Thị Vân, nguyên Chủ nhiệm HTX Sông Cầu y án chung thân; Trần Xuân Lộc, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Đắk Lắk - Đắk Nông và Lâm Hữu Hạnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông 5 năm tù; Trương Đình Hải, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng Nam Á 10 năm tù; Tạ Thị Xuân Ý, Phó bộ phận quan hệ khách hàng Sở giao dịch TPHCM - Ngân hàng Phương Đông, 8 năm tù.

Riêng bị cáo Đặng Thị Ngân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Ngân tăng mức phạt từ 20 năm lên 22 năm tù.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc