Những vụ án chấn động dư luận năm Giáp Ngọ

07:51, 17/02/2015
|

(VnMedia)- Năm Giáp Ngọ 2014 sắp khép lại, nhưng những vụ án như Bầu Kiên, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, ông Nguyễn Thanh Chấn và 10 năm ngồi tù oan hay câu chuyện xảy ra tại Ngân hàng Ocean Bank vẫn để lại những chấn động với dư luận...

Đại án Bầu Kiên

Bầu Kiên có lẽ là đại gia Việt bị bắt giữ gây rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới giờ. Gần cuối tháng 8/2012, hầu như dư luận cả nước không thể tin nổi vào sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), một người đàn ông quyền lực trong giới tài chính ngân hàng cũng như trong làng bóng đá Việt bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ về một số sai phạm liên quan tới hoạt động kinh doanh của ông này.

Ảnh minh họa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tại phiên tòa.

Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và trốn thuế. Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.

Trong bản án tòa sơ thẩm tuyên phạt vào ngày 9/6/2014, Nguyễn Đức Kiên (sinh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội) - nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB: 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”; 6 năm tù về tội “Trốn thuế”; 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Kiên còn nhận hình phạt bổ sung tiền trốn thuế 75 tỷ đồng và thêm 100 triệu đồng cho hành vi lừa đảo. Đồng thời, bị cáo Kiên còn bị cấm tham gia hoạt động ngân hàng trong 5 năm sau khi ra tù.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 5 năm tù. Bị cáo Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB: 8 năm tù. Bị cáo Trịnh Kim Quang - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 4 năm tù.

Bị cáo Phạm Trung Cang - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB: 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB: 2 năm tù. Các bị cáo này cùng bị tuyên phạt tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, các bị cáo đã kháng án. Chiều 15/12/2014, Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với hầu hết các bị cáo, chỉ riêng bị cáo Lê Vũ Kỳ được giảm từ 5 năm xuống 4 năm tù.

Đại án Hà Văn Thắm

Ciều 24/10/2014, cơ quan tố tụng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và lệnh bắt giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm, 42 tuổi, trú tại Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa

Ông Hà Văn Thắm trước khi bị khởi tố, bắt giam.

Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm đã thực hiện đúng quy định tại Điều 80 và Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện, ông Thắm đã được dẫn giải về Trại giam Bộ Công an để điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo sai phạm của ông Thắm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank. Để đảm bảo Ngân hàng OceanBank hoạt động kinh doanh an toàn, ổn định và đúng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ chức vụ đối với ông Hà Văn Thắm.

Cũng trong ngày 24/10/2014, Ngân hàng nhà nước chính thức thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao của Ocean Bank.

Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.

Để xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương hoạt động an toàn, ổn định và đúng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm.

Đến thời điểm này, cùng xộ khám với ông Hà Văn Thắm còn có bà  Nguyễn Minh Thu - Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương ông Nguyễn Văn Hoàn (37 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng tín dụng Oceanbank).

Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

Ngày 22/10/2013, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (chủ thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội) đã bị bắt khẩn cấp vì nghi án làm chết bệnh nhân khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ rồi cùng nhân viên bảo vệ đem xác bệnh nhân vứt xuống sông Hồng. Vụ án gây bàng hoàng dư luận vì cách cư xử vô cảm, nhẫn tâm với người bệnh của một bác sĩ.

Ảnh minh họa

Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 Bộ luật hình sự và “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 Bộ luật hình sự. Đồng phạm của bác sĩ Tường là Đào Quang Khánh (nhân viên bảo vệ thẩm mỹ viện) cũng bị khởi tố về hai tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và "trộm cắp tài sản". Bởi ngoài việc cùng bác sĩ Tường phi tang xác chị Huyền, Khánh còn lấy điện thoại iPhone của chị Huyền.

Ngày 4/12/2014, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong rồi phi tang xác bệnh nhân gây chấn động dư luận. Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, chiều 5/12/2014 TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", 5 năm tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", tổng hình phạt 19 năm tù giam. Đồng thời, cấm hành nghề 5 năm sau khi thực hiện xong hình phạt tù.

Ngoài ra, bị cáo Tường còn phải bồi thường cho gia đình chị Huyền tổng cộng gần 600 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đã đưa nên số tiền còn lại là gần 400 triệu đồng và cấp dưỡng cho hai con của bị hại 1 triệu đồng/tháng đến khi đủ 18 tuổi.

Bị cáo Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", 9 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản", tổng hợp hình phạt 33 tháng tù giam.

Ông Nguyễn Thanh Chấn và 10 năm chịu tù oan

Ngày 4/11/2013, ông Nguyễn Thanh Chấn - phạm nhân đang thi hành bản án tù chung thân về tội giết người - đã được VKSND tối cao ký lệnh trả tự do, tạm đình chỉ thi hành bản án tù. Hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) của vụ án giết người xảy ra tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) 10 năm trước mà ông Chấn bị kết án oan đã ra đầu thú. Vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 6/11/2013, Hội đồng phúc thẩm TAND Tối cao mở phiên tòa xử tái thẩm và ra quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS của TAND Tối cao và Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang đối với Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 25/1/2014, ông Nguyễn Thanh Chấn nhận quyết định đình chỉ bị can và chính thức trở thành người vô tội.

Ngày 29/9/2014, TAND tỉnh Bắc Giang đưa Lý Nguyễn Chung ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa hôm đó đã bị hoãn và TAND tỉnh Bắc Giang ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc