Có hay không chuyện bảo kê “cát tặc” sông Hồng?

07:00, 24/02/2015
|

(VnMedia) - “Cát tặc” lộng hành công khai trên sông Hồng nhưng việc xử lý vi phạm lại rất ít. Có ý kiến dư luận cho rằng nguyên nhân là do được chính quyền chống lưng. Tuy nhiên chính quyền lại khẳng định, do khó khăn chứ hoàn toàn không có chuyện chống lưng hay bảo kê.

>> "Cát tặc" ngang nhiên hoành hành trên sông Hồng

Ảnh minh họa
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Lợi nhuận hấp dẫn

Khảo sát thực tế tại các bãi kinh doanh cát ở An Dương, Nhật Tân, Tứ Liên, Bạch Đằng, một số đầu nậu ở đây tiết lộ, với cách lén lút trộm cát như hiện nay, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 100m2 cát. 

Kinh phí cho 1m3 cát đen hạt mịn phù sa hoặc hạt đều khi khai thác kiểu này chỉ dao động khoảng từ 10.000 đến 15.000 đồng nhưng khi cập bến, chủ tàu "đổ buôn" lượng cát ăn cắp cho chủ các bến bãi hợp pháp hoặc không phép dọc theo hai bờ sông Hồng có thể kiếm lời gấp chục lần.

Nếu “găm” hàng lại, đợi vào mùa kiệt nước, thì với sự khan hiếm về vật liệu xây dựng, cát sẽ "đội" giá tới 280.000 đồng/m3 đến 350.000 đồng/m3. Trong khi đó, các mối tiêu thụ sẵn sàng thu mua cát lậu do giá thành rẻ hơn cát được vận chuyển từ xa đến, bởi cát lậu là khai thác ngay tại chỗ còn cát vận chuyển từ xa giá cao hơn do cộng thêm phí vận chuyển. "Chỉ sợ không có mà bán chứ khai thác được bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết”- một đầu nậu cho hay.

Cùng với sự hoạt động lộng hành của "cát tặc", nhiều đối tượng lợi dụng sự buông lỏng trong hoạt động cấp phép bến thủy nội địa tùy tiện mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Có địa phương còn cho thuê một phần đất nông nghiệp để làm bến bãi hoặc ẩn nấp dưới dạng liên doanh liên kết, ký kết các hợp đồng cho thuê đất ven sông để kinh doanh vật liệu xây dựng và không thực hiện các thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường, mua bán, tiêu thụ cát đen không rõ nguồn gốc.

Đáng lo ngại, tại những điểm nóng này, phần lớn các bãi tập kết vật liệu xây dựng đều nằm trong hành lang thoát lũ.

Theo thống kê mới đây của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, riêng tuyến đê hữu Hồng có 112 bãi, tập trung chủ yếu ở các huyện Từ Liêm, Thường Tín, Ba Vì, Phú Xuyên, Sơn Tây.

Quá trình kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các địa phương này phát hiện có 19 bãi chứa khoảng 161 nghìn mét khối cát đen không rõ nguồn gốc. Quá trình khai thác, tập kết, các doanh nghiệp, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông.

Ngoài ra, có nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy, nhưng một số tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng đất làm bãi chứa.

Đối tượng manh động, liều lĩnh

Do lợi nhuận thu được từ việc khai thác cát là rất lớn nên các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Chúng thường hoạt động theo phương thức: Hút trộm, chạy trốn và nếu bị vây bắt thì sẵn sàng chống đối.

Như vụ "cát tặc" trên sông Đáy lao thẳng tàu vào phương tiện của cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý, hoặc vụ “cát tặc” Dương Văn Tùng, ở huyện Ninh Phúc, tỉnh Ninh Bình, điều khiển tàu NB-6365 trọng tải gần 1.000 tấn, đã chống trả quyết liệt lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội khi vây bắt đối tượng này ở kè Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, hay như chủ tịch xã Việt Long (Sóc Sơn) khi làm nhiệm vụ chống "cát tặc" đã bị "xã hội đen" đánh trọng thương. 

Gần đây nhất, tháng 11/2014, theo thông tin từ Cơ quan quản lý đê điều Hà Nội, khi chặn một xe chở cát lậu có dấu hiệu quá tải trọng, một chiến sỹ cảnh sát giao thông huyện Thường Tín đã bị hành hung.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) - Công an Hà Nội cho biết, chiều dài hơn 280km của hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ và sông Đà, đoạn chảy qua Hà Nội khiến công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát gặp nhiều khó khăn.

Thành phố lại có nhiều điểm khai thác cát lưu động không có giấy phép, tập trung dọc sông Hồng, sông Đuống ở các quận, huyện: Từ Liêm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Phú Xuyên.

Thượng tá Cương cũng cho biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng khai thác cát trái phép đã khó nhưng xử lý được càng khó hơn. Các tàu thuyền khai thác cát đều không số, không tên và từ địa phương khác dạt về Hà Nội. Chủ phương tiện ít khi xuất hiện, trên tàu thuyền thường là lao động làm thuê, thậm chí có cả đối tượng nghiện hút, không hiểu biết về pháp luật.

"Chúng sẵn sàng giằng co, chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do…. gây khó khăn cho việc xử lý", ông Cương nói.

Cũng theo Thượng tá Cương, khó nhất hiện nay là việc thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Bởi mỗi chiếc tàu dài gần 20 mét, rộng 3 mét, cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm thì không biết sẽ cần đến bao nhiêu diện tích mới đáp ứng đủ. Thực tế này khiến nhiều địa bàn rất “ngại” xử lý tàu, thuyền hút trộm cát, ngay cả khi chế tài áp dụng phạt là tương đối nghiêm khắc.

"Cát tặc" được... bảo kê?

Tình trạng đáy sông bị "khoét trộm" đã dấy lên dư luận, có xã hội đen đứng ra bảo kê "cát tặc" nên người dân biết cũng không dám tố giác, còn chính quyền địa phương lại thiếu sự quyết liệt xử lý vi phạm.

Như vừa qua, “cát tặc” Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lộng hành ở huyện Phúc Thọ nhiều năm, dư luận bức xúc song vẫn chưa bị "sờ gáy", Bộ Công an phải vào cuộc mới triệt phá được.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, do lực lượng hạn chế, thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc để hút cát trái phép, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

“Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, lãnh đạo huyện có quan điểm xử lý quyết liệt, không hề nương tay với các đối tượng khai thác cát trái phép. Chúng tôi liên tục có văn bản báo cáo UBND thành phố, đồng thời cố gắng hết sức thể hiện trách nhiệm với nhân dân. Cán bộ ăn lương Nhà nước để làm việc, nhưng phương tiện của chúng tôi rất ít, nhiều khi phát hiện lại bó tay đứng nhìn...”.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh thẳng thắn cho hay: Cát lậu cho lợi nhuận quá lớn nên vi phạm vẫn xảy ra. Lực lượng quản lý đê đã phát hiện và báo cáo Sở, báo cáo với chính quyền nhưng chính quyền nói ngoài tầm kiểm soát, không có phương tiện, không có lực lượng.

"Rõ ràng là họ chưa làm hết trách nhiệm. Người đứng đầu phải nắm được diễn biến trên địa bàn quản lý, phải có biện pháp. Nếu vượt thẩm quyền phải có báo cáo đề xuất. Vi phạm cũng như xây nhà, phải đào móng rồi mới lên tầng. Nói thẳng là có một số quận huyện chưa thực sự vào cuộc, ngại va chạm. Không thể trốn trách đùng đẩy trách nhiệm mãi được!" - Ông Thịnh nói.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc