Tham nhũng tập trung ở ngành tài chính, ngân hàng

09:20, 25/01/2015
|

(VnMedia)- Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, tập trung chủ yếu ở ngành tài chính và ngân hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra nội bộ, các cơ quan hành chính nhà nước đã phát hiện 134 vụ, 180 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, cụ thể: Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng; Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 22 vụ, 35 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, tập trung chủ yếu ở ngành tài chính và ngân hàng.

Trong năm 2014, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Việc công khai, minh bạch ngày càng cụ thể, được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau . Đáng chú ý là môi trường kinh doanh  đã có bước tiến đáng kể so với các năm trước đây nhất là trong việc tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 6.016 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 105 đơn vị có vi phạm.

Đã ban hành mới 3.090 văn bản, huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.359 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 9.284 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 183 vụ việc với 91 người có vi phạm, đã xử lý kỷ luật 55 người, xử lý hình sự 01 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 181 tỷ đồng (đã thu hồi 162 tỷ đồng, đạt 89,5%). 

Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013, có 944.425/952.178 người kê khai tài sản, thu nhập (đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012). Đã công khai 914.245 bản kê khai (đạt tỷ lệ 96,8% so với số bản đã kê khai, tăng 37,4% so với năm 2012).

Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại 4.431 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 293 người.

 Xử lý 40 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như: Cảnh cáo, khiển trách, 07 người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí


Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, để công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 đạt kết quả như mong muốn, ngành Thanh tra sẽ quan tâm rà soát hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là việc hoàn thiện các quy định trong việc công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ của các cấp, các ngành. Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về PCTN, lãng phí; Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh PCTN trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để đảm bảo chính xác thông tin khách quan, đúng sự thật.

Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng trong công tác PCTN là việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03 tháng 01 năm 2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Nghị quyết số 63/NQ/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó chú trọng phòng, chống tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao: đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công, thực hiện các chính sách xã hội… và công tác cán bộ. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Mặt khác, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên, công dân trong phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục mở rộng các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc