(VnMedia) - Nếu như trước đây cho vay với lãi suất gấp 15 lần của Ngân hàng Nhà nước có thể bị truy cứu hình sự thì dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định mức cho vay này sẽ là gấp trên 20 lần...
Ảnh minh hoạ
Một trong những thay đổi đáng chú ý của dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được nêu tại Lễ công bố kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là quy định về lãi suất cho phép trong hợp đồng vay tài sản.
Nếu như trước đây, cho vay với lãi suất gấp quá 15 lần của Ngân hàng Nhà nước có thể bị truy cứu hình sự, thì Theo dự thảo Bộ luật dân sự mới, mức lãi suất tăng lên quá 20 lần mới có thể bị truy cứu.
Theo đó, ở dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất nâng mức lãi suất thỏa thuận cho phép lên so với mức trước đây. Cụ thể, các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trong khi đó, theo Bộ Luật dân sự hiện hành, lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Về quy định lãi suất cho vay tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ban soạn thảo hiện có hai ý kiến: Ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo Bộ luật là nâng mức lãi suất thỏa thuận cho phép lên nhưng không vượt quá 200% lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Ý kiến thứ hai, đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu. Đồng thời quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay, có thể bị phạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột, thì bị coi là phạm tội.
Người phạm tội bị phạt tiền từ một đến mười lần số tiền lãi, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Như vậy, theo dự thảo mới, người nào cho vay với lãi suất cao gấp trên 20 lần so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị truy cứu hình sự.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ luật dân sự (sửa đổi) ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Bộ luật dân sự mới sẽ hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền và việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.
Việc lấy ý kiến người dân về những thay đổi trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) được bắt đầu từ ngày 5/1/2015 cho đến hết ngày 5/4/2015.
Ba đầu mối tổ chức tiếp nhận góp ý là Chính phủ, UBND; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TAND Tối cao và VKSND Tối cao.
Bộ luật dân sự năm 2005 gồm 777 điều. Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 170 điều, bãi bỏ gần 150 điều. 10 vấn đề trọng tâm được sửa đổi, gồm: quyền nhân thân; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác... |
Ý kiến bạn đọc