(VnMedia) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, năm 2014 xảy ra tình trạng đưa người sang Malaysia, Singapo lừa bán vào động mại dâm, xem mặt chọn vợ, kết hôn giả...
Ảnh minh hoạ
Ngày 28/1, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm Trung ương (Ban chỉ đạo 138) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.
Theo Ban chỉ đạo 138, năm 2014, toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ tội phạm về trật tự xã hội. Tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm 45% tổng số vụ phạm tội. Nhiều băng nhóm trộm cắp, hoạt động lưu động, liên tục gây ra hàng trăm vụ phạm tội.
Tội phạm về giết người do nguyên nhân xã hội tuy giảm nhưng tính dã man, tàn bạo, giết nhiều người thân trong gia đình, chặt xác phi tang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngoài ra, trong năm 2014, cả nước phát hiện 469 vụ phạm tội mua bán người với 685 đối tượng và hơn 1.000 nạn nhân. Tình trạng đưa người sang Malaysia, Singapo lừa bán vào động mại dâm, xem mặt chọn vợ, kết hôn giả; đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ rồi lừa bán; mua bán nội tạng, mua bán chiếm đoạt trẻ em, mua bán người trên internet, điện thoại di động xảy ra nhiều... Cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây phạm tội có quy mô lớn.
Ban chỉ đạo 138 cũng cho biết, Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quý trình tái cơ cấu nên kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra phổ biến trên các tuyến biên giới; tình trạng buôn bán thuốc lá ngoại, đường, xăng dầu gia tăng. Tình trạng trốn thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước diễn ra phức tạp.
Số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài được phát hiện cũng tăng, nhất là lĩnh vực sử dụng vốn ODA...
Theo đó, đã phát hiện, xử lý gần 14.000 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế, trong đó 439 vụ phạm tội về tham nhũng; trên 2.500 vụ buôn lậu; gần 6.000 vụ sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm.
Trong năm 2014, tội phạm ma tuý hoạt động manh động, trắng trợn, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí "nóng" chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phát hiện bắt giữ 19.929 vụ, thu giữ hàng 729,256 kg heroin, 342,74 kg và 556.308 viên ma túy tổng hợp; công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người cũng được đẩy mạnh...
Về tội phạm và vi phạm pháp luật môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát hiện, khởi tố và xem xét khởi tố điều tra 304 vụ, 356 đối tượng, xử phạt hành chính 7.054 vụ, thu nhiều tang vật vụ án trị giá 139,15 tỷ đồng...
Tội phạm công nghệ cao cũng diễn biến phức tạp, nổi lên là lừa đảo, tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua internet; mua, bán hàng đa cấp, mở các "tài khoản ảo" để huy động tiền; trộm cắp thông tin thẻ tín dụng để rút tiền; nghe lén điện thoại trái phép... Cơ quan chức năng đã khởi tố 85 vụ án và hơn 300 bị can...
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động tội phạm hình sự tăng 1,48% so với năm 2013.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo 138/CP đã ghi nhận kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng cần khắc phục những hạn chế thiếu sót, đẩy mạnh sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội...
Ý kiến bạn đọc