(VnMedia) - Sự phức tạp trong cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại, những khó khăn, áp lực trong hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh tại “điểm nóng” Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài càng nhân lên khi đầu năm 2015, Nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ngày 4/1/2015, nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chính thức đi vào khai thác. Nhà ga hiện đại này có diện tích sàn 139.216 m2 với hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, tiêu chuẩn quốc tế, công suất 10 triệu hành khách/năm, khả năng mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm. Nhà ga T2 được vận hành sẽ giảm tải cho nhà ga T1 để nhà ga quốc nội này phục vụ các chuyến bay nội địa. Nhưng ngày khánh thành, ngoài niềm vui, sự lạc quan mới đan xen không ít những nỗi lo về nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu từ nhà ga T2.
Theo nhận định của Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Minh, với lượng hành khách và chuyến bay gia tăng đột biến ở mức 15 triệu khách/năm, lượng hành khách giờ cao điểm lên tới 3.000 khách/giờ, số chuyến bay xuất nhập cảnh là 75.400 chuyến bay/năm, cao điểm có thể tới 23 chuyến bay/giờ, thì không nói cũng thấy rõ nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, khối lượng làm thủ tục hải quan cũng như giám sát hải quan đối với hàng hóa, hành khách sắp tới sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Minh giải thích, việc khai thác hàng hóa từ máy bay sẽ phải vận chuyển qua Nhà ga T1 đến kho hàng. Trong khi đó, khoảng cách từ chỗ đậu tàu bay đến kho hàng quốc tế từ 5 đến 6 km. Nên nguy cơ hàng hóa thẩm lậu trong quá trình vận chuyển rất cao, các đối tượng sẵn sàng cất giấu trong người nhiều loại hàng cấm, giá trị cao. "Nếu hàng hóa vận chuyển qua Nhà ga T1 được quản lý không tốt sẽ tạo cơ hội cho đối tượng đưa hàng vào nội địa. Mặt khác, hoạt động giám sát hàng hóa và tàu bay của Hải quan có bất cập là hiện nay khi hành khách vừa xuống hết tàu bay, cán bộ Hải quan vào giám sát trong tàu bay, cùng lúc lực lượng vệ sinh, thợ máy cũng vào trong tàu để thực hiện công việc. Đây là cái khó trong công tác quản lý hải quan"- Ông Nguyễn Đức Minh cảnh báo.
Một cán bộ trong lực lượng chống buôn lậu ở “điểm nóng” này cũng cho hay: Tình trạng sử dụng đường không để buôn lậu đang ngày càng gia tăng. "Cửa ngõ quốc tế mới" đi vào hoạt động, các đối tượng sẽ tìm mọi cách để tuồn hàng cấm, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa. Áp lực trong quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh sẽ gia tăng. Điều đó phần nào đã thấy từ trên 300 vụ buôn lậu, hàng cấm, gian lận thương mại bị lực lượng Hải quan Nội Bài phối hợp với các lực lượng khác phát hiện, bắt giữ tại Nhà ga T1 trong năm 2014. Trong đó, có khoảng 50 vụ là vận chuyển ma túy, vũ khí (súng), sừng tê giác, ngà voi.
Nhiều cán bộ hải quan khác cũng không giấu được trăn trở: Thủ đô có đường hàng không nối với quốc tế cùng nhiều tuyến đường bộ huyết mạch nên cuộc chiến chống buôn lậu rất khó khăn, phức tạp và đặc thù riêng. Trong lúc đó, tội phạm có thể là chủ một doanh nghiệp, “đại gia”, ông "trùm" có mối quan hệ xã hội rộng rãi, không đơn thuần là những tay anh, chị lưu manh, côn đồ sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng điểm chung của các đối tượng này là khi bị phát hiện, bắt giữ, lập biên bản thì quay sang đe dọa, chống đối, hoặc tìm cách mua chuộc lực lượng chức năng. Đã có trường hợp một cán bộ hải quan Nội Bài tham gia bắt giữ vụ vận chuyển súng trái phép đã bị đối tượng vi phạm lầm lỳ tiến lại đe dọa: Có muốn sáng ngày mai bị hai can xăng vứt vào nhà rồi cho một mồi lửa không?
Trao đổi với đại diện Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hà Nội) thấy thêm một nỗi lo lớn khác. Đó là những khó khăn, trở ngại trong khâu xử lý tang vật vi phạm, nhất là từ động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã, do những bất cập trong các quy định hiện hành cũng như công tác phối hợp với cơ quan liên quan. Có trường hợp hơn nửa năm tính từ khi phát hiện, xử lý thì vụ việc vẫn nằm trên bàn của cơ quan Hải quan. Như vụ phát hiện 2 hành khách trên chuyến bay SQ176 từ Singapore đến Nội Bài vận chuyển 26 khúc ngà voi châu Phi với trọng lượng hơn 120 kg không khai báo hải quan, không giấy phép nhập khẩu cũng như các giấy tờ liên quan. Toàn bộ số tang vật đã bị tịch thu.
Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý nhưng tang vật cũng như đối tượng vận chuyển chưa thể xử lý do những vướng mắc trong công tác phối hợp cũng như các quy định hiện hành.
Ý kiến bạn đọc