Vụ Huyền Như: Đề nghị huỷ một phần bản án

13:59, 25/12/2014
|

(VnMedia)- Ngày 25/12, phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận. Luật sư đề nghị hủy phần bản án liên quan 200 tỉ của Navibank.

>> 4.000 tỉ đồng Huyền Như lừa đảo đang ở đâu?
>> Huyền Như "nẫng" 50 tỷ đồng của ACB nhanh chóng
>> Bí ẩn người nhận 10 tỷ "lại quả" của Huyền Như
>> H uyền Như nhận chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB
>> Ai tiếp tay cho “siêu lừa”Huyền Như phạm pháp?  

Đề nghị huỷ 1 phần bản án

Trong phần đề nghị tại phiên xử phúc thẩm vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như hôm qua 24/12, NaviBank là một trong 2 ngân hàng bị đại diện viện kiểm sát (VKS) đề nghị tòa bác kháng cáo.

  Ảnh minh họa

  Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như được dẫn ra xe về trại giam sau khi kết thúc phiên xử sáng 25/12.

Theo VKS thì NaviBank (bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng) đã tự đặt mình vào vị trí pháp lý mà pháp luật không thể bảo vệ, bởi lỗi quản lý tiền của NaviBank cũng như thiếu trách nhiệm của những người gửi tiền.

Phát biểu quan điểm đầu tiên, luật sư Trương Thanh Đức, người bảo vệ quyền lợi cho NaviBank không đồng tình với việc công tố cũng như án sơ thẩm xác định VietinBank vô can với việc mất 200 tỷ của đơn vị này.

Luật sư của Navibank nhấn mạnh "VietinBank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp; VietinBank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm trái pháp luật; VietinBank đã đưa thẻ tiết kiệm vào cầm cố trái pháp luật để bảo đảm tiền vay và đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật chứ không phải là Huyền Như. Và vì thế theo đúng quy định của pháp luật, thì VietinBank, chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank"

 Theo luật sư, số tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank là: Hợp đồng thật, nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật, thẩm quyền thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, hạch toán thật, sử dụng thật và số dư thật tại Vietinbank. Đó là những sự thật cần phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Chỉ còn một sự thật cuối cùng là Vietinbank đã từ chối chịu trách nhiệm về sự thật.

Phân tích sâu, luật sư nói VietinBank đã nhận tiền gửi, đã huy động vốn, tức là vay vốn và sử dụng vốn vay của khách hàng, thì phải trả nợ gốc và lãi cho người gửi tiền. Nếu cho rằng Huyền Như đứng ra huy động tiền gửi, thì kết cục cũng vẫn là huy động vốn cho VietinBank. Việc Huyền Như huy động vốn cho VietinbBank là một việc làm bình thường, bắt buộc, đúng với thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ, vai trò của một Trưởng phòng Giao dịch lớn của VietinBank. Do vậy, điều này cũng không làm thay đổi trách nhiệm quan trọng nhất của VietinBank theo luật định là, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền gửi cho khách hàng.

Vậy thì cả về đạo lý và pháp lý là có vay, có trả. Không thể chấp nhận lý luận theo kiểu, cái tay tự làm tự chịu, để rũ bỏ trách nhiệm hiển nhiên là đã nhận tiền gửi nhưng lại không trả cho khách hàng. Do đó, trong mọi trường hợp, VietinBank phải chịu trách nhiệm về việc sai phạm đối với các nhân viên của mình theo đúng quy định tại Điều 618 về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”, Bộ luật Dân sự năm 2005: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”. Hơn nữa, nguồn gốc tiền gửi dù có như thế nào thì cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt và trách nhiệm của ngân hàng nhận tiền gửi.

Cùng quan điểm với luật sư ACB, Navibank cho là: "về cơ bản, những gì sai sót đối với Navibank là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 công ty (VKS cho là Như tham ô tiền của khách tại TK VietinBank nên VietinBank có trách nhiệm bồi thường); những gì là sai trái của Vietinbank và những gì là sự hợp pháp, hợp lệ đối với 5 công ty cũng hoàn toàn giống với trường hợp của Navibank. Nhưng rất đáng tiếc là Viện kiểm sát lại kết luận hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau?".

Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo hướng có hành vi tham ô 200 tỷ đồng là tài sản của ViettinBank thay vì lừa đảo 4 nhân viên Navibank, buộc Vietinbank trả lại 4 nhân viên Navibank 200 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi là số tiền gửi hợp pháp, hợp lệ của khách hàng.

Cạnh đó, luật sư này cũng cho là án sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của Navibank. Tại phiên toà sơ thẩm, Navibank đã yêu cầu xác định lại tư cách của mình không phải là nguyên đơn dân sự, mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng mà 4 nhân viên Navibank đã gửi tại VietinBank. Tuy nhiên, điều này đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chấp nhận. Và dù xác định tư cách của Navibank là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thi cũng có mối quan hệ chặt chẽ với việc gửi tiền và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường tiền gửi của 4 nhân viên Navibank.

Nếu luật sư của ACB, Navibank tỏ thái độ không đồng tình với việc luận tội của công tố ngày hôm qua thì luật sư các công ty (Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán, Hưng Yên và Toàn Cầu được VKS xác định lại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản của Vietinbank, buộc VietinBank phải bồi thường) lại gửi lời cảm ơn đến công tố.

NaviBank là nguyên đơn dân sự của tội lừa đảo là đúng

Trong phần nhận định, VKS cho rằng: 200 tỷ đồng của NaviBank do 4 nhân viên đứng tên. Do có ý thức chiếm đoạt tiền nên sau sự giới thiệu Như đã móc nối với Đoàn Năng Luật, nhân viên của Navibank để các nhân viên này tin tưởng gửi tiền.

Như đã đề nghị lãnh đạo VietinBank CN TP.HCM để nhận gửi 500 tỉ đồng với lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng. Sau đó Như đã tất toán hợp đồng với số tiền là 300 tỉ, còn 200 tỉ đồng do các cá nhân đứng tên Như đã chiếm đoạt hết.

4 nhân viên NaviBank bị Như dẫn dụ đã vi phạm quy định tại quyết định 1284 là cho thuê cho mượn tài khoản, ngay từ  lúc mở, các nhân viên này có mục đích để NaviBank gửi tiền vào kinh doanh không hợp pháp.

Navibank cũng biết rõ và hoàn toàn có thể theo dõi các khoản tiền nhưng vì động cơ và mục đích cá nhân nên đã bỏ mặc không quan tâm.

Do đó, xuất phát từ lỗi của NaviBank và các nhân viên, khiến NaviBank tự đặt mình vào tình trạng pháp lý khiến pháp luật không thể bảo vệ. Vì vậy, NaviBank phải chịu trách nhiệm của hậu quả xảy ra.

Thực chất 200 tỉ này là của Navibank, nên bản án dân sự xác định NaviBank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là đúng bản chất vụ án. 


Theo Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Ý kiến bạn đọc