Ứng dụng camera giám sát xử phạt trật tự an toàn giao thông

16:34, 30/12/2014
|

(VnMedia) - Việc ứng dụng camera giám sát vào xử phạt trật tự an toàn giao thông giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu đường và phòng, chống tội phạm trên tuyến.

Việc ứng dụng hệ thống camera giám sát vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ là chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an, trong tổng thể các giải pháp kiềm chế, giảm TNGT và UTGT tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Hiện đại hóa công tác TTKS, từng bước thay đổi phương thức TTKS của CSGT, hạn chế sự có mặt của CSGT trên đường, nhưng vẫn giám sát được tình hình TTATGT, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, kiềm chế giảm TNGT, điều hòa giao thông, chống ùn tắc giao thông. Có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và phòng ngừa vi phạm.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ.


Với ưu điểm là áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, hiện đại của các nước phát triển trên thế giới như: Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…, vận dụng trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, đây là vấn đề mấu chốt của hệ thống giám sát. Năm 2008, Lãnh đạo Bộ Công an đã giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với Công ty TNHH - Tập đoàn Hải Châu Việt Nam tổ chức triển khai thí điểm hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng, quản lý hệ thống giám sát, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Bộ Công an có Quyết định số 1914/2009/QĐ- BCA-E11 ngày 07/7/2009 về việc ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ và Thông tư số 17/2014/TT-BCA ngày 24/4/2014 quy định về vận hành, quản lý, bảo trì, bảo vệ hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là 02 văn bản pháp lý quan trọng để Công an các đơn vị, địa phương thống nhất thực hiện trong việc xây dựng, quản lý, vận hành và xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát.

Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công an tiến hành nâng cấp hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án An toàn giao thông đường bộ Việt Nam, vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) do Ủy ban ATGT quốc gia làm chủ đầu tư, đã triển khai xây dựng hệ thống giám sát trên tuyến quốc lộ 1 tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, T/p Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ; và hiện đang lập dự án xây dựng hệ thống giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm theo Dự án  “Tăng cường, và hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đắc Lắk, Quảng Ninh, Bạc Liêu… đều quan tâm, xây dựng hệ thống giám sát, bước đầu đã làm chuyển biến tốt về tình hình TTATGT trên tuyến.

Báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho thấy, kết quả, từ ngày 1/6/2008 đến ngày 31/5/2010 thông qua hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Ninh Bình, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 20.664 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó xe ô tô khách chiếm 47 %; xe ô tô con 33,5 %; xe ô tô tải 28,4 %. Đã ra quyết định xử phạt, kho bạc nhà nước thu trên 10 tỷ đồng. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 328 trường hợp, tạm giữ 32 xe ôtô các loại. Sau khi lắp đặt, ứng dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, tình hình TTATGT trên tuyến đã có chuyển biến tốt hơn, tai nạn giao thông trên đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình đã giảm 23,2 % số vụ, giảm  29,2 % số người chết, giảm 19,6 %.số người bị thương.

Từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/3/2014, qua hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Vinh và T/p Hồ Chí Minh - Cần Thơ,  lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện, xử lý 22.657 T/h vi phạm TTATGT; xử phạt, kho bạc nhà nước thu 25,3 tỷ đồng. TNGT trên tuyến Quốc lộ 1 xảy ra 581 vụ, làm chết 553 người, bị thương 423 người. So sánh với thời gian liền kề trước đó, giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương): giảm 56 vụ (-8,8%), giảm 71 người chết (- 11,37%), giảm 51 người bị thương (-10,76%), đáng chú ý là không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến.

Với kết quả đạt được, đã khẳng định việc xây dựng hệ thống giám sát, là một chủ trương và giải pháp đúng đắn của Chính phủ và Bộ Công an, đã phát huy được hiệu quả đầu tư; từng bước nâng cao trình độ khoa học công nghệ ứng dụng vào công tác bảo đảm TTATGT, hiện đại hóa công tác TTKS của lực lượng CSGT. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu đường và phòng, chống tội phạm trên tuyến. Cần khuyến khích các địa phương chủ động đầu tư xây dựng hệ thống giám sát trên các tuyến đường bộ nhưng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống. Hình ảnh vi phạm rõ ràng, đảm bảo chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, đến nay chưa có trường hợp nào khiếu nại về việc xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc