(VnMedia)- Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện địa phương này có số lượng gái mại dâm nhiều nhất cả nước. Địa bàn hoạt động cả trên đường phố và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
29.000 cơ sở kinh doanh, 53% có mại dâm trá hình
Trong một báo cáo mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình mại dâm trên địa bàn thành phố không còn chỉ bằng hành vi giao cấu giữa người mua với người bán mà còn núp bóng khiêu dâm, kích dục tại các điểm bán cà phê, karaoke, tiệm cắt tóc gội đầu... Nhiều đường dây mại dâm hạng sang với giá hàng nghìn USD, có sự tham gia của giới diễn viên, người mẫu.
Ảnh minh hoạ. |
Bên cạnh đó, tình trạng nam giới và người chuyển giới bán dâm bắt đầu phổ biến trong khi chưa có quy định pháp luật để xử lý. Hiện tượng chào hàng, môi giới cũng đa dạng qua Internet, điện thoại, trực tiếp trên đường. Mại dâm còn được “xuất khẩu” ra nước ngoài qua hình thức "sextour" (du lịch mại dâm)...
TP HCM hiện có hơn 29.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Kiểm tra xác suất, lực lượng chức năng phát hiện hơn 53% có mại dâm trá hình.Ông Huỳnh Thanh Khiết cũng cho rằng, dù hàng nghìn cơ sở đã bị xử lý, đình chỉ nhưng hoạt động mại dâm vẫn ngày càng mở rộng. Theo ông Khiết, nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế, tình trạng thất nghiệp cao khiến nhiều người chọn con đường bán dâm. Cạnh đó, công tác quản lý và các biện pháp xử lý chưa hiệu quả do hoạt động mại dâm ngày càng biến tướng.
Những điểm nóng mại dâm tại TP. Hồ Chí Minh cũng được chỉ ra là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Đông Du (quận 1) có nhiều quán ăn, cơ sở dịch vụ trá hình; đường Hoàng Sa (quận 1), Tú Xương, Nguyễn Thông, Hai Bà Trưng (quận 3) tập trung nhiều mại dâm công cộng.
Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đây là địa phương có nhiều gái mại dâm nhất cả nước. Ông Thuận cũng kiến nghị, Bộ LĐTB&XH cần có quy định, chế tài cụ thể để phù hợp thực tế.
Cả nước có gần 33.000 gái mại dâm
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, tính đến tháng 7/2014, số người bán dâm ước tính là gần 33.000 người. Tuy nhiên theo đánh giá của các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì số người bán dâm thực tế ước tính là 200.000 người. Như vậy con số này cao xấp xỉ so với số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hiện nay (204.377 người tính đến tháng 9/2014). Tổng số có người bán dâm hồ sơ quản lý là 9.171 người, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ; Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Về sự "bành chướng" của hoạt động mại dâm, tại Hội thảo quốc tế tham vấn đối tác về lĩnh vực phòng,chống tệ nạn xã hội tại Việt Nam, dại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã được ban hành hơn 10 năm, do vậy, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới; chưa có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm, thiếu một hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, thân thiện với người bán dâm và nạn nhân của bóc lột tình dục.
Hiệu quả các hoạt động phòng ngừa chưa cao, không đủ sức răn đe. Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do vậy, nhiều nhiệm vụ chỉ được thực hiện lồng ghép hoặc chỉ trong một thời điểm nên hiệu quả hạn chế.
Ý kiến bạn đọc