(VnMedia)- S áng 23/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, có đề xuất về việc đưa quyền chuyển giới của cá nhân vào Luật Dân sự (sửa đổi).
Có ý kiến đề xuất này xuất phát từ thực tế ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này.
Ảnh minh hoạ. |
"Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề thực tiễn này là cần thiết, tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, phức tạp nên cần phải có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, để quy định của Bộ Luật Dân sự có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, dự thảo Bộ luật về quyền xác định lại giới tính, thay vì quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại giới tính như Bộ Luật Dân sự hiện hành thì chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung, theo đó: Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định; Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định; Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Dự thảo Bộ Luật Dân sự quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành, tuy nhiên, có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...), đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật dân sự.
Ý kiến bạn đọc