(VnMedia)- Hoạt động mua bán người không chỉ xảy ra ở phụ nữ, trẻ em gái mà cả đàn ông cũng bị mua bán như ở Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang…
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn đến 2014, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, tính chất, quy mô và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Cămpuchia và Lào, trong đó, địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người là Hà Giang: 120 vụ, Lào Cai 104 vụ, Lai Châu 80 vụ… Hoạt động mua bán người không chỉ xảy ra ở phụ nữ, trẻ em gái mà cả đàn ông cũng bị mua bán như ở Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang… Thống kê có trên 90% số vụ mua bán người là mua bán ra nước ngoài, tuy nhiên, thời gian gần đây phát hiện càng nhiều vụ mua bán người trong nước, ép nạn nhân làm mại dâm hoặc lao động cưỡng bức như: Công an thành phố Hà Nội khám phá 25 vụ, bắt 49 đối tượng, Công an thành phố Hải Phòng khám phá 7 vụ, bắt 17 đối tượng, Công an tỉnh Tây Ninh bắt 22 đối tượng, liên quan đến 105 nạn nhân.
Nguyên nhân chính là do phần lớn nạn nhân còn mặc cảm tâm lý, không khai báo với chính quyền địa phương, trình độ học vấn thấp, gia đình thiếu sự quan tâm; xã hội còn kỳ thị, thiếu các chính sách cụ thể trong hỗ trợ vay vốn, học nghề, tìm việc làm…nên ảnh hưởng tới tiến trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân.
Hệ thống thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình nạn nhân bị mua bán trở về địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa được cập nhật thường xuyên gây khó khăn cho công tác hỗ trợ nạn nhân, cũng như cho công tác phòng, chống mua bán người nói chung... Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương còn thiếu và yếu... Trong khi đó nguồn ngân sách chi thường xuyên cho công tác này không có hoặc rất thấp nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Ý kiến bạn đọc