(VnMedia)- Bị cáo phải cấp cứu tại bệnh viện 175 của Bộ Quốc phòng, bác sỹ kết luận bị tim mạch, huyết áp tăng độ 3 và tiểu đường tuýp 02 (có giấy xác nhận của bệnh viện), nhưng Tòa phúc thẩm TAND tối cao Hà Nội vẫn mở phiên tòa...
>> Hủy án cho tử tù mang tội hiếp, giết bé gái
Đang là chủ nợ, thành đồng phạm trong vụ án lừa đảo
Tòa án nhân dân tối cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa nhận được đơn của một cựu giáo viên bị quy kết là đồng phạm trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để các cơ quan xem xét kháng nghị, giám đốc thẩm. Người đứng đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Tín, sinh năm 1956, là giáo viên trong quân đội đã nghỉ hưu năm 2009, trú tại đường Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tín.
Bà Tín là người bị truy tố xét xử với tư cách là bị cáo đồng phạm trong vụ án “Nguyễn Thi Đặng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” tại Bản án sơ thẩm số 368/2012/HSST của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử ngày 10,13 và 14/08/2012 và Bản án phúc thẩm số 04/2013/HSPT ngày 09/01/2013. Bà Tín khẳng định, các bản án, kết luận, cáo trạng của cơ quan tố tụng đã không xem xét khách quan sự việc, dẫn đến kết án oan sai cho bà.
Theo đơn trình bày, tháng 01/2008, bà Nguyễn Thị Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Đặng Phát đến đặt vấn đề vay tiền của bà Tín. Bà Đặng cung cấp cho bà Tín một Hợp đồng kinh tế số 0811 mua hàng thép xây dựng giữa Công ty TNHH Đặng Phát với Công ty Techsimex. Bà Đặng nói rằng muốn vay bà Tín 3,5 tỷ đồng sử dụng để đóng đối ứng mua hàng. Ngoài hợp đồng, bà Đặng còn kèm theo một cam kết tín dụng của của Ngân hàng Thương mại CP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh – Chi nhánh Thăng Long do Giám đốc Hồ Nam Tiến ký ngày 10/12/2007, biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Đặng Phát đồng ý đối với khoản tiền vay trên
Việc vay mượn có viết biên nhận và đã giao nhận tiền đầy đủ, đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, quá thời hạn trả nợ, bà Đặng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng cam kết. Vì vậy, bà Tín đã khởi kiện bà Đặng ra Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) để đòi nợ.
TAND quận Tân Phú đình chỉ vụ án vì bà Tín kiện sai đối tượng, chứ không phải không có khoản vay trên.
Ngày 09/2/2009, TAND quận Tân Phú thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Do không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên bà Tín đã khởi kiện bà Đặng với tư cách cá nhân chứ không phải tư cách pháp nhân là Giám đốc Công ty TNHH Đặng Phát.
Vì vậy, Tòa án đã hướng dẫn bà Tín rút đơn để làm lại thủ tục. Nội dung này được thể hiện đầy đủ trong Biên bản xin rút đơn ngày 15/9/2009 gửi TAND quận Tân Phú của bà Tín. Ngày 15/9/2009, TAND quận Tân Phú có Quyết định số 290/2009/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án.
Sự việc đang trong quá trình được giải quyết thì đầu năm 2010, bà Đặng thông tin cho bà Tín biết được sắp có nguồn tiền chuyển về tài khoản Công ty TNHH Dương Hùng (do bà Đặng đứng đầu). Vì mong muốn thu hồi nợ nên bà Tín đã đồng ý cho bà Đặng vay tiếp 800 triệu đồng (tiền chi phí cho ngân hàng). Tháng 2/2010, bà Tín cùng bà Đặng và một số đối tượng khác ra Hà Nội rút tiền từ tài khoản Công ty. Khi bà Tín nhận lại khoản tiền mà bà Đặng đã vay từ trước thì mới phát hiện ra khoản tiền này là do bà Đặng lừa đảo mà có. Bà Tín vô hình trung trở thành “đồng phạm” trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà bà Đặng là người cầm đầu. Bản án Phúc thẩm ngày 09/1/2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Tín 14 năm tù giam (bằng mức với bị cáo Đặng – chủ mưu).
Một trong những nhận định để đưa ra hình phạt đối với bà Tín là việc HĐXX đã căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án đều nhận định bà Tín đã “ép” bà Đặng viết giấy nhận vay nợ và không có khoản vay nên TAND quận Tân Phú mới đình chỉ vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, nhận định này là không đúng sự thật vì bà Tín là giáo viên về hưu, sức khỏe yếu nên không thể ép buộc bà Đặng viết giấy vay nợ được.
Luật sư Kiệm cho rằng, đây là một tình tiết mấu chốt, làm thay đổi bản chất vụ án nhưng cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã xem nhẹ và không “đi đến cùng” bản chất vụ việc.
Những điều bất thường
Điều đáng nói là trong phiên tòa bị tuyên phạt án tù 14 năm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, bà Tín không có mặt tại phiên tòa, luật sư bào chữa cũng không nhưng H ĐXX vẫn xử án. Trong đơn gửi Tòa án nhân dân tối cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bà Tín trình bày, tại phiên xét xử lần thứ 2 ngày 09/01/2013, tôi đã mua vé chuẩn bị ra HN tham dự phiên tòa nhưng cách ngày diễn ra phiên tòa hai ngày tôi đã bị ốm đột ngột, phải cấp cứu tại bệnh viện 175 của Bộ Quốc phòng, Bác sỹ kết luận tôi bị tim mạch, huyết áp tăng độ 3 và tiểu đường tuýp 02 (có giấy xác nhận của bệnh viện), mặc dù chồng Tôi (là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) đã đem giấy tờ xác nhận của bệnh viện, để xin hoãn cho tôi, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tôi cũng bị ốm không thể dự phiên tòa để bảo vệ cho tôi nhưng vẫn không được Tòa chấp nhận với lý do là việc vắng mặt của tôi không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi theo khoản 2, điều 245 Bộ Luật tố tụng hình sự, và phiên tòa vẫn được xét xử, vì không có mặt tại tòa để minh oan cho mình nên tòa tuyên y án sơ thẩm đối với tôi với mức án rất nặng là 14 năm tù.
Mặc dù đang bị truy nã toàn quốc về hành vi “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, nhưng Oanh vẫn được HĐXX triệu tập đến phiên tòa xét xử bà Tín với tư cách nhân chứng!
Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), lý do bị cáo vắng mặt trong phiên tòa nhưng không ảnh hưởng đến kết quả tại phiên tòa nói trên của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội là không thuyết phục, vì khoản 2 điều 245 Bộ Luật tố tụng quy định: “Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa”.
Mặt khác, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp và Nghị quyết số 49NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để việc xét xử vụ án hình sự theo nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà.
Do vậy, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cũng cho rằng việc Hội đồng xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội không chấp nhận cho bà Tín được hoãn phiên tòa ngày 09/01/2013 dù bà Tín bị cấp cứu nằm viện mặc dù đã có văn bản xác nhận của Bệnh viện nơi điều trị cấp cứu và vẫn xét xử, tuyên án là vi phạm nguyên tắc tố tụng, vi phạm Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49NQ/TW.
Bên cạnh đó, dù bà Tín bị đưa ra xét xử và bị tuyên án tù 14 năm, nhưng đến thời điểm tuyên án vẫn không có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Tín.
Ngoài ra, t rong kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án có đề cập đến đối tượng Bùi Thị Kim Oanh (tên thật là Bùi Thị Lập) xác định Oanh là... nhân chứng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ năm 1993, Oanh bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên phạt tù về hành vi “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo điều 275 Bộ luật Hình sự. Khi có quyết định thi hành án, Oanh đã bỏ trốn. Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã có Lệnh truy nã số 04 ngày 15/09/2005.
Trong thời gian trốn lệnh truy nã, Oanh đã tham gia vào vụ án này, mà theo cung cấp đến các cơ quan chức năng của bà Tín: Oanh là đối tượng chính, mắt xích quan trọng nhất đạo diễn, chắp nối mọi quan hệ từ việc thuê tiền đến việc tính toán rút tiền để chiếm đoạt. Oanh từng có mối quan hệ rất mật thiết trong vụ thuê và mượn tiền cho Đặng từ năm 2008. Trong vụ án này, Oanh cũng là người rất tích cực trong việc tìm nguồn tiền và móc mối với Hiển làm thủ tục rút tiền cho Đặng.
Khi phát hiện ra điều này, bà Tín đã báo cáo cho ông Thức, Điều tra viên (Công an TP.Hà Nội) nhưng không hiểu vì sao thông tin quan trọng này không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bạn đọc