(VnMedia) - Bỏ ra số tiền lớn cho Huỳnh Thị Huyền Như vay với lãi “trên trời” có khi lên tới 3,7% một ngày, các nữ đại gia đã góp phần “tiếp tay” đẩy Huyền Như ngày càng lấn sâu vào vòng tội lỗi...
Huỳnh Thị Huyền Như
Lừa đảo 4.000 tỉ đồng
Năm 2008, việc kinh doanh khó khăn khi nhà đất "đóng băng", Huỳnh Thị Huyền Như đã mắc nợ đến 200 tỉ đồng.
Để trả nợ, Như đã đi vay một số lượng lớn tiền (có khi lên đến cả hàng ngàn tỉ đồng) và trả lãi suất cao cho hàng chục người. Mặc dù vay mượn tiền với số lượng lớn của nhiều người nhưng cũng không giải quyết hết nợ nần, vì vậy bị cáo Như đã nghĩ đến việc vay mượn tiền của các công ty, các công ty sân sau của một số ngân hàng và của một số ngân hàng và được núp dưới hình thức huy động vốn hoặc uỷ thác đầu tư vốn để chiếm đoạt.
Bị cáo Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa Vietinbank CN TP HCM và CN Nhà Bè, đồng thời nghĩ ra nhiều thủ đoạn như yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán của họ tại Vietinbank, sau đó để tạo lòng tin cho các đơn vị, cá nhân tin tưởng ký hợp đồng để chuyển tiền vào.
Khi họ chuyển tiền tới tài khoản tại Vietinbank, Như đã làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Vietinbank CN Nhà Bè và chữ ký, con dấu giả của nhiều công ty, cá nhân rút tiền chiếm đoạt.
Theo cáo buộc, Huỳnh Thị Huyền Như đã cầm đầu, chiếm đoạt của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân với số tiền gần 4.000 tỉ đồng.
Nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý
Tiếp tay phạm pháp
Trong vụ “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, nhiều người không khỏi giật mình bởi những thông tin khủng khiếp về thế giới ngầm của “tín dụng đen”. Với mức lãi suất cho vay có khi lên đến 3,7%, nhiều đại đã thu được những khoản lợi “kếch xù” khi cho Huyền Như vay một số tiền lớn, và những người này đã góp phần tiếp tay cho Huyền Như ngày càng phạm pháp.
Trong số những nữ đại gia cho vay nặng lãi có 2 người bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức là Nguyễn Thị Lành và Đào Thị Tuyết Dung.
Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2007, khi còn là một nhân viên tín dụng Như bắt đầu vay lãi suất cao và đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản. Lần đầu tiên, một nhân vật chuyên môi giới chứng khoán là Hùng Mỹ Phương giới thiệu Nguyễn Thiên Lý gặp Như. Biết Như đang "khát" tiền để làm ăn, Lý chủ động gặp Như tại Ngân hàng Vietinbank và đề nghị sẽ cho Như vay tiền với lãi suất 0,4% đến 1,2%/ngày. Ngay sau đó, Như đã đồng ý vay 100.000 USD và khoảng 3 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản và chứng khoán.
Với khoản vay đầu tiên này, với mức lãi suất thấp nhất 0,4%/ngày, mỗi tháng Như đã phải trả khoảng 600 triệu đồng tiền lãi. Không một cơ hội làm ăn nào có thể sinh lời với mức lãi suất cho vay cắt cổ nên Huỳnh Thị Huyền Như ngày càng vay lãi nặng nhiều hơn.
Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 12/2009 đến tháng 9/2011, Nguyễn Thiên Lý đã cho Như vay tổng cộng hơn 554 tỷ đồng và 340.000 USD với lãi suất 0,4 đến 1,7%/ngày. Như đã phải trả cho Lý hơn 1.296 tỷ đồng nhưng hiện vẫn còn nợ Lý 216 tỷ đồng và 340.000 USD tiền gốc.
Đó vẫn chưa phải là trường hợp nhiều nhất, “nữ đại gia cho vay ngàn tỷ” Nguyễn Thị Lành còn khiến dư luận choáng váng hơn
.
Bản án sơ thẩm xác định, từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2011, Lành cho Như vay tổng cộng gần 7.842 tỷ đồng với lãi suất 0,4 đến 2%/ngày. Như đã phải trả hơn 9.000 tỷ đồng.
Không chỉ là cầu nối cho mối quan hệ giữa Huyền Như và nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương cũng là kẻ có “máu mặt” trong giới cho vay.
Bản án sơ thẩm cho thấy trong vòng gần 3 năm, Phương đã cho Như vay 184,2 tỷ đồng, đã thu về 218,5 tỷ đồng nhưng hiện Như vẫn nợ Phương 130 tỷ đồng. Đối với trường hợp của Đào Thị Tuyết Dung, Như đã vay của Dung 265,7 tỷ đồng và đã phải trả 440,4 tỷ đồng.
Với mức lãi suất cho vay cắt cổ, cả 4 nữ đại gia trên đã bị truy tố và xét xử về tội “cho vay nặng lãi”. Ngoài mức án phạt, tòa sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính để tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Cụ thể: Nguyễn Thiên Lý phải nộp lại hơn 414,7 tỷ đồng, Đào Thị Tuyết Dung nộp lại 174,7 tỷ đồng, Hùng Mỹ Phương phải nộp lại 164 tỷ đồng, Nguyễn Thị Lành phải nộp lại hơn 150 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc