(VnMedia)- Ban Thường vụ và Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị xem xét, làm rõ phát ngôn “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có nhiều tiền” của Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
>> Không nên luật hóa “quyền im lặng” của nghi can?
Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam ký văn bản này.
Theo nội dung văn bản, trong những ngày vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và ngoài nước có đăng tải nhiều ý kiến được cho là phát ngôn từ ông Đỗ Văn Đương, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thương trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội (khóa VIII) đề cập đến vị trí, vai trò và bản chất hoạt động nghề nghiệp của luật sư, gây bức xúc và sự phản ánh rất mạnh mẽ trong dư luận xã hội và giới luật sư Việt Nam. Theo đó, ông Đỗ Văn Đương được xác định là người đã phát biểu trên báo chí nhiều ý kiến phản đối việc quy định về quyền im lặng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), cho rằng: đây là chuyện kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy” để bọn tội phạm lộng hành. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, ông Đỗ Văn Đương đã quy chụp một cách thiếu căn cứ khi cho rằng “ thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có nhiều tiền”.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương.
Nếu những ý kiến nói trên được xác định là của ông Đỗ Văn Đương, Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận thấy việc quy chụp “thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” không chỉ là một nhận định thiếu căn cứ, mà còn hoàn toàn trái với quy định tại Điều 3, Luật Luật sư (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) về chức năng xã hội của luật sư, theo đó: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Phát biểu nêu trên còn không phù hợp với nguyên tắc về bảo đảm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa được xác định là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại Khoản 4 Điều 31 Hiếp pháp năm 2013, đi ngược lại chủ trương cải cách tư pháp, trong đó đề cao vị trí, vai trò của luật sư và bảo đảm tranh tụng dân chủ tại phiên tòa đã được nêu trong các Nghị quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị. Nó cũng hoàn toàn tương phản với kết luận của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong các dịp tới thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam thời gian qua, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội đối với nghề luật sư còn non trẻ, đang được xây dựng với sự kỳ vọng của xã hội và bản thân đội ngũ luật sư Việt Nam.
"Chính vì vậy thay mặt cho đội ngũ gần 9.000 luật sư trên cả nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản đối nhận thức và quan điểm của ông Đỗ Văn Đương đã phát biểu trên báo chí. Liên đoàn luật sư Việt Nam kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến chỉ đạo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp xem xét, kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương và xem xét trách nhiệm và tư cách đại biểu Quốc hội, tư cách Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của ông Đỗ Văn Đương theo quy định của pháp luật", ông Lê Thúc Anh khẳng định.
Trước đó, ngày 27/10, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương có nhận định: “luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…” Phát biểu này khiến nhiều người trong giới luật sư bất bình lên tiếng. Tuy nhiên, tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định: những luật sư hoạt động miễn phí vì danh dự không nhiều. Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, luật sư là một nghề và họ phải sống bằng nghề. Làm nghề thì phải có thù lao. Vì vậy, tôi không bảo họ làm vì tiền, nhưng phải có tiền thì mới làm.
Ông cũng cho rằng, có con số đáng để chúng ta suy nghĩ đó là, trong 100 vụ án hiện nay, có đến 80% không có luật sư bão chữa. Một phần thiếu luật sư, một phần là do 80% các vụ án đó liên quan đến người nghèo không có tiền thuê luật sư để bào chữa. Thế nhưng, điều ngược lại 100% số vụ án kinh tế như tham nhũng, tranh chấp đất đai thì rất nhiều luật sư bào chữa. Thậm chí, có những vụ mới tiến hành khởi tố vụ án đã có luật sư vào rồi...
Ý kiến bạn đọc