(VnMedia)- Chiều 20/11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã ra phán quyết, Cục thuế TP.HCM phải hoàn trả toàn bộ số tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng và tiền phạt vi phạm đã thu của Công ty Luật TNHH Indochina Legal.
Thu thuế sai, gửi đơn kiện
Ngày 10/12/2013 Công ty Luật TNHH Indochina Legal (công ty luật 100% vốn nước ngoài) phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM đã phát đơn khởi kiện Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM (140 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, Quận 3, TP.HCM).
Công ty Luật TNHH Indochina Legal được Bộ Tư pháp cấp phép thành lập ngày 22/3/2007 và được Sở Tư pháp TP.HCM cấp giấy đăng ký hoạt động 3/5/2007.
Nguyên nhân Công ty Luật TNHH Indochina Legal (Công ty Luật Indochina Legal) khởi kiện do cho rằng cơ sở pháp lý trong Quyết định hành chính số 350/QĐ-CT-TTr1 ngày 30/01/2013 của Cục trưởng Cục thuế TP.HCM về việc xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế và Quyết định hành chính số 78/QĐ-CT ngày 23/05/2013 của Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Luật TNHH Indochina Legal lần thứ 1 là chưa chính xác.
Về nội dung liên quan tới truy thu thuế TNDN, Công ty Luật Indochina Legal cho rằng việc truy thu thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế TNDN tăng thêm qua thanh tra của hai năm 2007 và 2008 bởi các quyết định hành chính của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM là không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, Cục thuế TP.HCM đã tăng thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty Luật Indochina Legal từ 3,55 tỷ đồng lên 4,16 tỷ đồng (năm 2007), và từ 7,43 tỷ đồng lên 8,11 tỷ đồng (năm 2008). Lý do thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty Luật Indochina Legal tăng lên do Cục thuế đã không chấp nhận việc khấu trừ một số chi phí mà công ty chi trả trong các năm tài chính 2007 và 2008 được thanh tra. Từ đó dẫn đến việc Công ty Luật Indochina Legal bị truy thu thuế TNDN là 247,14 triệu đồng.
Trong thực tế trong 2 năm 2007 và 2008 Công ty Luật Indochina Legal là doanh nghiệp nước ngoài mới thành lập, kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, do đó theo quy định của luật đầu tư, luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Công ty Luật Indochina Legal được miễn nộp thuế TNDN. Do vậy việc tăng thu nhập qua thanh tra trong hai năm này đương nhiên không ảnh hưởng đến số thuế TNDN mà công ty phải nộp. Vì vậy theo Công ty Luật Indochina Legal, Cục thuế TP.HCM đã áp dụng không đúng quy định trong các văn bản của pháp luật.
Nội dung chính thứ hai là việc Cục thuế TP.HCM tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 1,09 tỷ đồng lên 1,13 tỷ đồng (năm 2008), và từ 963 triệu đồng lên 1,04 tỷ đồng (năm 2009). Việc tăng thuế GTGT do Cục thuế TP.HCM không chấp nhận việc việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào của tiền thuê nhà cho giám đốc là người nước ngoài cho 2 năm 2008 và 2009.
Trong khi đó theo quy định tại Hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài doanh nghiệp phải chi trả tiền thuê nhà, phù hợp với quy định của pháp luật lao động, pháp luật thuế thu nhập cá nhân và pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây được xem là chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy thuế GTGT của các khoản chi phí này phải được coi là thuế GTGT được khấu trừ của doanh nghiệp. Vì vậy việc kê khai thuế GTGT của công ty hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật thuế.
Từ đó Công ty Luật Indochina Legal yêu cầu tòa án tuyên hủy toàn bộ nội dung liên quan tới 247,14 triệu đồng số tiền truy thu thuế TNDN trong năm 2007 và 2008 cùng số tiền phạt tương ứng. Đồng thời hủy toàn bộ nội dung liên quan tới 109,44 triệu đồng truy thu thuế GTGT của tiền thuê nhà cho giám đốc trong năm 2008 và 2009 cùng số tiền phạt tương ứng. Cùng với đó yêu cầu Cục thuế TP.HCM hoàn trả toàn bộ số tiền thuế TNDN, thuế GTGT và các khoản phạt tương ứng mà công ty đã nộp theo các quyết định hành chính của Cục thuế.
Cục thuế TP.HCM thua kiện
Sau lần gửi đơn khiếu kiện sửa đổi, bổ xung (ngày 6/6/2014), ngày 22/10/2014 theo Quyết định số 3180 của Tòa án nhân dân TP.HCM theo đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Phiên xét xử sơ thẩm được mở vào 8 giờ sáng ngày 13/11/2014.
Đại diện ủy quyền Công ty Luật Indochina Legal là Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi, bà Bùi Diễm Phúc và Luật sư Nguyễn Quốc Tuấn. Đại diện bị đơn Cục thuế TP.HCM là ông Nguyễn Bá Khâm và ông Đinh Quang Trung.
Phiên tòa kéo dài từ ngày 13/11/2014 và ngày 20/11/2014, tại phòng xử án TAND TP HCM – 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP. HCM. Sau phần tranh tụng diễn ra nhiều ngày đến chiều ngày 20/11/2014, Thẩm phán Trương Thế Trọng – Chủ tọa phiên tòa đã thay mặt HĐXX đọc bản án với nội dung chính như sau: Thứ nhất hủy toàn bộ phần nội dung Quyết định hành chính số 350/QĐ-CT-TTr1 ngày 30/01/2013 của Cục trưởng Cục thuế TP.HCM về việc xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế và Quyết định hành chính số 78/QĐ-CT ngày 23/05/2013 của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Luật TNHH Indochina Legal lần thứ 1 đã bị Công ty Luật TNHH Indochina Legal khởi kiện trong vụ án hành chính.
Thứ hai yêu cầu Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh hoàn trả toàn bộ số tiền truy thu thuế TNDN, GTGT và tiền phạt vi phạm liên quan mà Công Ty luật TNHH Indochina Legal đã đóng vào ngân sách nhà nước theo các Quyết định hành chính, tổng số tiền 460.767.813 đồng
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi – Đại diện theo ủy quyền của Công ty Luật TNHH Indochina Legal, thông qua vụ việc có thể thấy hệ thống pháp luật về thuế hiện hành rất phức tạp, đặt nặng trách nhiệm tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về phía doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm việc nộp thuế, kê khai thuế, nhưng vẫn phải nhận những khoản truy thu, khoản phạt thuế lớn sau mỗi kỳ thanh tra thuế, mà nhiều khi căn cứ pháp lý, quan điểm xử lý mà cơ quan thuế áp dụng còn chưa rõ ràng, dẫn đến sự bất an trong việc kinh doanh của doanh nghiệp” - Luật sư Thi nhận định.
Theo Luật sư Thi trong vụ việc này HĐXX đã xem xét một cách rất công tâm về việc áp dụng các văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Và HĐXX đã tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc chủ đạo của Luật Ban hành VBQPPL (văn bản tối cao để giải quyết những vấn đề phát sinh khi có nhiều cách hiểu, cách áp dụng pháp luật khác nhau, hay có các nội dung mâu thuẫn nhau trong các văn bản pháp luật), cũng như toàn bộ hệ thống các VB QPPL có liên quan, từ trên xuống dưới, để đánh giá việc áp dụng VB QPPL trong vụ việc này là đúng hay sai.
Ý kiến bạn đọc