(VnMedia)- 6 đối tượng liên quan đến vụ kinh doanh vàng trái phép tại Công ty Khải Thái đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Trước đó, Cơ quan điều tra cũng đã bắt Vũ Đức Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX về kinh doanh vàng. Theo quy định của pháp luật, hành vi kinh doanh vàng trái phép bị xử lý ra sao?
Sàn vàng chui thu lợi hàng trăm tỷ đồng?
Liên quan tới việc Cơ quan CSĐT, Bộ Công an triệt phá sàn kinh doanh vàng trái phép tại Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đối với 6 đối tượng của Công ty Khải Thái về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
6 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Hsu Ming Jung (tên gọi khác là Saga, người Đài Loan, là Tổng giám đốc điều hành Công ty Khải Thái), Nguyễn Mạnh Linh (Giám đốc công ty), Đoàn Thị Luyến (Giám đốc điều hành chi nhánh Cầu Giấy), Đinh Thị Hồng Vinh (Giám đốc điều hành chi nhánh Long Biên), Tăng Hải Nam (Giám đốc điều hành chi nhánh Ba Đình) và Trịnh Hòa Bình (kế toán trưởng công ty).
Bằng thủ đoạn tuyển hàng trăm nhân viên tư vấn và đào tạo các nhân viên này cách tìm khách hàng, tư vấn cho họ ký kết hợp đồng ủy thác với khách hàng để Công ty Khải Thái đầu tư kinh doanh vàng tài khoản mang lại lợi nhuận cao cho khách hàng. Để lôi kéo các nhà đầu tư, Công ty Khải Thái quảng cáo có một đội ngũ chuyên gia ngồi tại Đài Loan để chơi vàng trên các sàn giao dịch Forex tại Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc). Công ty này đã đưa ra mức lãi suất cho tiền đầu tư của khách hàng rất cao, từ 3% - 3,5% /tháng nhằm lôi kéo, dụ dỗ người tham gia.
Bằng thủ đoạn trên, Công ty Khải Thái đã thu hút được hàng ngàn khách hàng đầu tư tiền vào kinh doanh vàng. Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác định, Công ty Khải Thái đã huy động được khoảng 2.000 tài khoản ủy thác đầu tư với số tiền khoảng 200 tỷ đồng.
Trên thực tế, để chấn chỉnh việc kinh doanh trái phép vàng, ngay từ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước dưới mọi hình thức. Mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30/3/2010.
Nghị định 24/2012 của Chính phủ đã quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh thuộc hạng mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực nhiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng nhà nước cấp Giấy phép.
Mặt khác, thông tư 17/2010 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài chậm nhất vào ngày 31/7/2010.
Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, trên mạng Internet vẫn tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Từ đây, một lượng lớn tiền được huy động tham gia vào các kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế.
Trước khi bắt giữ sàn vàng của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái, cuối tháng 9/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã bắt Vũ Đức Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX cùng kế toán trưởng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh về hành vi kinh doanh vàng trái phép. Dù không được phép kinh doanh vàng và những sản phẩm phái sinh từ vàng nhưng từ năm 2012 Công ty Cổ phần đầu tư VGX vẫn mở sàn vàng.
Để tham gia, nhà đầu tư phải nộp vào trước khoản tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD. Khoản này đảm bảo cho họ có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng gấp 100 lần số tiền ký quỹ. Công ty VGX cũng đặt ra quy định phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch mới mức thấp nhất 10.000 đồng một lượng vàng. Cơ quan điều tra xác định có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại sàn VGX với tổng số tiền giao dịch hơn 110 tỷ đồng.
Xử lý ra sao?
LS Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam đã có quy định đối với kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối (Forex), chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh Forex không phép.
Cụ thể: Kinh doanh sàn Forex (hay sàn giao dịch ngoại hối) được quy định tại Điều 36, Pháp lệnh ngoại hối của UBTV Quốc hội số 28/2005 ngày 13 tháng 12 năm 2005, được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày18/3/2013 của UBTV Quốc hội, theo đó nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối là: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.
Theo Nghị định số 95/2011/ NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (NĐ số 95): Tổ chức và cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Về thẩm quyền thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 95 quy định: Thanh tra viên Ngân hàng đang thi hành công vụ có quyền, phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng: Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30.000.000 đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định này; Đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng; Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định này; Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một hoặc một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh quy định tại Điều 30 và khoản 7, khoản 8 Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối tại các điểm b, d, đ, e khoản 3, các điểm a, c, d, e, g khoản 4 và khoản 5 Điều 18 Nghị định này có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, đồng thời phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biết.
Cơ quan Quản lý thị trường quy định tại Điều 37 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 18, NĐ số 95, có trách nhiệm lập biên bản và chuyển cho các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này để xử lý theo quy định tại Nghị định này.
Ý kiến bạn đọc