(VnMedia)- Vụ việc hy hữu và hết sức đau lòng khi con gái cùng đồng bọn tham gia cướp tài sản của mẹ đẻ. Hành vi này của cô con gái không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn đi ngược lại với đạo đức xã hội...
Khoảng 5h sáng ngày 27/8, chị Nguyễn Thị Phương Anh (38 tuổi, ngụ khu dân cư Khang Điền, khu phố 6, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) đang ngủ thì Lam gõ cửa. Nghe tiếng con gái gọi, chị ra mở cửa thì bị đứa con gái xông vào ôm chặt chị Phương Anh.
Ngay sau đó, một người thanh niên đeo khẩu trang và một cô gái lạ lao vào trói tay chân chị Phương Anh. Lam dùng băng keo bịt miệng mẹ mình. Cả 3 đối tượng trên lục soát nhà lấy đi nhiều tài sản có giá trị gồm: 1 ĐTDĐ hiệu SamSung, 1 ĐTDĐ hiệu Iphone 5S, 1 máy Ipad 4, 1 máy quay phim Sony, 1 xe máy Lead cùng giấy tờ xe, 1 cái bóp có 2,5 triệu đồng, 800 USD và 1 thẻ ATM. Tổng trị sản bị cướp khoảng 63 triệu đồng. Sau khi lấy xong tài sản, Lam cùng đồng bọn bỏ trốn.
Ảnh minh hoạ.
Đến sáng, con gái nhỏ chị Phương Anh thức giấc, phát hiện mẹ bị trói nên đã cởi trói cho chị. Sau đó, chị đến công an trình báo vụ việc.
Theo đơn trình báo của chị Phương Anh, khoảng 0h ngày 27/8, chị đang chuẩn bị ngủ thì chuông điện thoại reo. Bắt máy, chị Phương Anh nghe một giọng nam thanh niên tự xưng tên Lâm, là bạn của Lam. Người này yêu cầu chị Phương Anh phải ra mở cửa để nói chuyện vì cần gặp con gái của chị. Tuy nhiên, đêm khuya nên chị từ chối, yêu cầu sáng mai nói chuyện.
Chị Phương Anh cúp máy. Sau đó gọi cho bảo vệ khu dân cư trách móc vì đêm khuya để người lạ vào làm phiền. Nhận được phản ánh, bảo vệ khu dân cư gọi công an phường xuống hỗ trợ kiểm tra. Khi đến trước nhà chị Phương Anh, phát hiện có 3 người lạ.
Lập tức những người này bỏ chạy, công an bắt giữ một người nữ, mời về làm việc. Sau đó mới xác định người nữ này chính là Nguyễn Ngọc Phương Lam, con gái ruột của chị Phương Anh nên công an cho về gia đình. Đến 5h sáng hôm sau thì xảy ra sự việc như trên.
Được biết, chị Phương Anh có chồng đang công tác ở nước ngoài. Chị sống ở căn biệt thự khu dân cư Khang Điền với hai con gái. Trong đó, Lam là con gái lớn. Do gia đình có điều kiện, từ nhỏ Lam có tính đua đòi nên nghỉ học sớm, hay ra ngoài sống với bạn bè. Mặc dù gia đình thường xuyên khuyên giải nhưng Lam không nghe.
Hiện Công an quận 9, TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, làm rõ vụ con gái rủ đồng bọn về cướp tài sản của mẹ đẻ xảy ra trên địa bàn.
Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, có thể nói rằng đây là vụ việc hy hữu và hết sức đau lòng khi con gái cùng đồng bọn tham gia cướp tài sản của mẹ đẻ. Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi này của cô con gái không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn đi ngược lại với đạo đức xã hội. Người bị hại trong vụ án lại là mẹ, là Người đại diện hợp pháp cho bị can chưa thành niên phạm tội trước pháp luật.
Cũng theo phân tích của luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định các đối tượng Nguyễn Ngọc Phương Lam, con gái ruột của chị Phương Anh đã có hành vi cùng các đối tượng khác xông vào nhà và dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của chị Phương Anh thì có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 133 Bộ Luật Hình sự. Nếu tài sản mà các đối tượng chiếm đoạt được cơ quan định giá tài sản trong tố tụng xác định trên 50 triệu và dưới 200 triệu đồng thì các đối tượng trong vụ án này phải chịu trách nhiệm tương ứng với khoản 2 điều 133 Bộ Luật Hình sự với hình phạt cao nhất đến 15 năm tù giam.
"Đối với đối tượng Nguyễn Ngọc Phương Lam khi phạm tội mới 16 tuổi sẽ được áp dụng giảm nhẹ hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội theo qui định tại Điều 74 Bộ Luật Hình sự. Theo đó, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 74. Tù có thời hạn
Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Ý kiến bạn đọc