Những sự cố phá hỏng phiên toà nhiều mong đợi

11:59, 30/09/2014
|

(VnMedia) - Mẹ nạn nhân không thể có mặt tại phiên xử; Hội thẩm nhân dân ốm; không thể liên lạc được với hội thẩm nhân dân..., là những lý do khiến nhiều phiên toà gần đây bị hoãn xét xử...

Ảnh minh họa
Phiên tòa xử vụ kiện Keangnam Vina bị hoãn do không liên hệ được với hội thẩm

Hội thẩm nhân dân ốm 

Một vụ án “cướp và trộm tài sản” từ năm 2010, nhưng đến đầu năm 2014 mới đưa ra xét xử, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu VKS cung cấp làm rõ những tình tiết liên quan. 

Tuy nhiên, đến ngày 24/7 vừa qua, vụ án được đưa ra xét xử thì phiên tòa lại bị hoãn bởi lý do hội thẩm nhân dân bị ốm. Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, băn khoăn. 

Theo cáo trạng của VKSND TP Hạ Long (Quảng Ninh) ban hành ngày 19/8/2013, Vũ Hoàng Long (SN 1994, trú tại Khu 7, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) bị truy tố về 2 tội “trộm cắp tài sản” và “cướp tài sản”. 

Theo đó, khoảng 20h30 ngày 10/10/2012, Vũ Hà Long đi qua nhà anh Nguyễn Chính Phúc (ở Tổ 4, khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), thấy cổng, cửa nhà đều khóa, trong nhà không có người nên nảy sinh ý định trộm cắp. 

Long trèo tường vào sân rồi cậy cửa chính vào nhà, mở tủ lấy đi số tài sản gồm 10 tờ 500.000 đồng và một khẩu súng cao su của con trai chủ nhà. Tuy nhiên Long chưa kịp tẩu thoát thì anh Phúc đột ngột trở về tri hô bắt giữ. 

Lập tức, Long chạy theo hướng cổng sau rồi trèo tường vào nhà ông Vũ Ngọc Ước (ở Tổ 5, khu 5, phường Bãi Cháy, cách gia đình anh Phúc khoảng 100m). Bị ông Ước hỏi, Long nói đi bắn chim nhưng vẫn bị ông Ước giữ lại. Đúng lúc đó, anh Phúc cũng chạy tới. Mặc dù khám người Long không có tiền nhưng cả 2 vẫn quyết định bắt giữ giao cho Công an giải quyết. 

Mở rộng điều tra, Công an TP Hạ Long còn tiếp tục làm rõ một vụ án “cướp tài sản” xảy ra trước đó mà Long bị kết luận là thủ phạm. 

Hội thẩm chưa kịp nghiên cứu hồ sơ 

Sáng ngày 26/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Hàn Thị Phước (SN 1959, trú ở phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) về tội “Vu khống”, quy định tại khoản 1, điều 122-BLHS. 

Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố khai mạc phiên tòa, chủ tọa phiên xét xử bất ngờ thông tin, một trong hai vị hội thẩm nhân dân được phân công tham gia HĐXX vừa bị ốm nên không thể có mặt. Tòa án đã cử một vị hội thẩm nhân dân khác thay thế, song, do thời gian quá gấp, vị này chưa kịp nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. 

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện VKSND TP Hà Nội cùng các luật sư của cả bị cáo lẫn bị hại cho ý kiến về sự thay đổi thành phần HĐXX. Cả 4 luật sư tham gia phiên tòa đều đề nghị Tòa án Hà Nội hoãn phiên xét xử. Trước đề nghị của các luật sư và sau khi hội ý, HĐXX sơ thẩm đã công bố quyết định hoãn phiên tòa. 

Trước đó, cáo trạng của VKSND TP Hà Nội xác định, ngoài bị cáo Hàn Thị Phước đã thực hiện hành vi “vu khống” đối với bà Nguyễn Thị H (SN 1966), hiện giữ hàm Vụ trưởng, thuộc Bộ Công Thương ra, còn có Đào Anh Tuấn (SN 1986, con trai Phước, trú cùng địa chỉ); Bùi Quốc Phòng (SN 1977, ở phường Xuân Phương, Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Quốc Bình (SN 1976, trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng dính líu đến vụ án với vai trò đồng phạm. 

Đầu tháng 6/2013, Phước bàn bạc với các bị cáo trong vụ án tung tin nói xấu, đồng thời gửi đơn thư tố cáo sai sự thật đối với nữ cán bộ Bộ Công Thương về việc ăn thịt nhím không chịu trả tiền và quỵt tiền làm chuồng gà, chuồng chim của những người đã tận tình phục vụ bà H. 

Ảnh minh họa
Phiên tòa xử Lý Nguyễn Chung bị hoãn do mẹ bị nạn nhân không có mặt tại tòa được

Không liên hệ được với Hội thẩm nhân dân 

Cách đây vài hôm, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp mua bán căn hộ giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Mạnh Hà (chủ căn hộ B3504 ở tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), bị đơn là Công ty TNHH MTV Keangnam Vina. 

Tuy nhiên, ngay từ đầu phiên toà, Thẩm phán Chu Thiện Nghĩa, Phó chánh án TAND quận Nam Từ Liêm làm chủ tọa phiên toà, đã thông báo một vị hội thẩm nhân dân vắng mặt, HĐXX đang liên lạc với một vị dự bị nên các bên đợi đến sau 9 giờ thông báo. Đến 9 giờ 15, HĐXX tuyên bố hoãn toà vì… không liên hệ được với vị hội thẩm nhân dân.

Đây là lần thứ 2 phiên toà bị hoãn. Trước đó, ngày 8/9, TAND quận Nam Từ Liêm cũng đã ra quyết định tạm hoãn phiên tòa với lý do nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa.
 

Năm 2012, 10 hộ dân ở Keangnam khởi kiện ra TAND quận Nam Từ Liêm đề nghị buộc Keangnam hoàn trả phần tiền tương ứng với diện tích thuộc sở hữu chung và phần tiền chênh lệch do Keangnam định giá căn hộ bằng ngoại tệ. Hành vi định giá căn hộ bằng ngoại tệ của Keangnam đã bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu không được ký hợp đồng bằng ngoại tệ nhưng Keangnam vẫn không đồng ý thực hiện.

Người dân cũng buộc Keangnam hoàn trả số tiền tương ứng với diện tích căn hộ còn thiếu do trong hợp đồng Keangnam đã cố ý che giấu thông tin, phân chia toàn bộ diện tích thuộc sở hữu chung bán cho khách hàng nhưng lại cam kết đấy là diện tích sử dụng thực tế của căn hộ.
 

Các cư dân Keangnam cho rằng việc tính diện tích căn hộ đã bao gồm sở hữu chung đã bị Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật Quốc Hội kết luận là không phù hợp với Bộ Luật Dân sự và chưa phù hợp với Luật Nhà ở. Họ cũng cho biết trung bình với mỗi căn hộ khởi kiện bị thiệt hại khoảng một tỷ đồng cho những phần diện tích thuộc sở hữu chung.

Mẹ nạn nhân không có mặt tại phiên xử

Phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung (26 tuổi, ở Đắk Lắk) về tội "giết người" và "cướp tài sản" vào sáng ngày 29/9 đã bị hoãn xét xử với lý do mẹ nạn nhân có việc bận, không đến dự tòa được. 

Đây là vụ án xảy ra tại thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang hơn 10 năm trước. Điều đáng nói, Lý Nguyễn Chung chính là hung trong vụ án oan này, khiến ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang)  bị tù oan 10 năm.  

Mở đầu phiên xử, Chủ tọa Ngọc Thị Vui cho biết, trước phiên tòa, HĐXX nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bà Hoàng Thị Hội - mẹ của nạn nhân Hoan - vì lý do bà Hội có việc bận, không đến dự tòa được. 

Luật sư bảo vệ cho bị cáo cũng cho rằng nên hoãn phiên tòa bởi có vấn đề liên quan đến chuyện bồi thường cấp dưỡng cho con chị Hoan chưa được làm rõ trong hồ sơ. 

Sau khi phiên tòa vừa bắt đầu được ít phút, HĐXX xin hội ý và quyết định hoãn phiên tòa do bà Hội không thể có mặt trong buổi xét xử. 

Trước đó, vào chiều tối 15/8/2003, Chung đến quán chị Nguyễn Thị Hoan để mua dầu gội đầu. Khi đi, Chung mang theo một con dao bấm. Trong khi mua hàng, Chung nhìn thấy tiền trong tủ kính của chị Hoan nên đã nảy sinh ý định giết người cướp của. 

Lợi dụng lúc chị Hoan không để ý, Chung rút dao tấn công. Mặc dù chị Hoan tìm cách bỏ chạy nhưng Chung vẫn không buông tha mà truy sát đến cùng. Trong khi vật lộn, Chung tiếp tục đâm chị Hoan nhiều nhát. Đến khi dao gãy, Chung còn đập đầu chị Hoan xuống nền nhà và dùng vỏ chai bia tấn công. 

Khi chị Hoan không còn cử động được, Chung lấy gối trùm lên mặt chị Hoan cho đến khi nạn nhân tắt thở hẳn. Sau đó, Chung tháo 2 chiếc nhẫn màu vàng ở tay chị Hoan và lấy tiền rồi tắt điện, đóng cửa, ra về. 

Trong khi Chung giết chị Hoan, có anh Nguyễn Văn An và Lê Văn Giới (công nhân xây dựng) đi xe đạp ngang qua nhìn thấy nhưng lại tưởng vợ chồng chị Hoan đánh nhau nên đã bỏ đi, không trình báo.

Sau khi gây án, Lý Nguyễn Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên sinh sống. Ở quê hương, ông Nguyễn Thanh Chấn bắt và kết án tù chung thân. Ông Chấn chịu tội thay cho Chung 10 năm trời. Tháng 10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Ông Chấn được trả tự do.

 ====

Có thể nói, những phiên toà nêu trên, lý do hoãn phiên toà chủ yếu là do Hội thẩm nhân dân vắng mặt. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc tham gia của hội thẩm nhân dân là một trong những yêu cầu bắt buộc trong quá trình xét xử sơ thẩm các vụ án. Do vậy, việc Hội đồng xét xử đưa ra quyết định hoãn xét xử là đã thực hiện trên những cơ sở nhất định.


Ba Tư

Ý kiến bạn đọc