Kinh nghiệm sống còn những vụ bắt cóc con tin

09:13, 17/09/2014
|

(VnMedia) - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo kinh nghiệm sống còn trong những vụ bắt cóc con tin, trong đó đáng lưu ý là tất cả các vụ giải cứu con tin ở khu dân cư đông không được để người dân tụ tập đông vì có nhiều bất lợi...

>> Bắt cóc, khống chế con tin vì muốn gặp vợ con!
>> Giám đốc Công an Hà Nội đối mặt kẻ khống chế con tin

Chỉ 5 tiếng đồng hồ sau khi đối tượng cầm dao khống chế con tin xảy ra tại phòng 401 nhà E6 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, đối tượng đã được thương thuyết thả con tin và được áp giải về phòng Hình sự công an thành phố Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, đối tượng được xác định là Trần Thanh Bình (SN 1986, trú tại khu 7, phường Quang Trung, TP. Uông Bí, Quảng Ninh). Theo Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hà Nội, khi Bình khống chế bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966), bà Hồng có van xin Bình tha mạng cho cả gia đình và bảo đối tượng cần thứ gì cứ lấy.
Tuy nhiên, đối tượng nói không cần bất cứ thứ gì và chỉ muốn được gặp vợ con.

Ảnh minh họa

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp áp giải đối tượng Trần Thanh Bình (dấu X) về trụ sở Công an Hà Nội.

Hiện, Giám đốc công an thành phố đang chỉ đạo Phòng PC 45 phối hợp với các lực lượng khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng củng cố hồ sơ đấu tranh với đối tượng để làm rõ động cơ, mục đích gây án.

Theo báo cáo của Công an Hà Nội, điều bất ngờ của vụ việc là đối tượng Trần Thanh Bình muốn nói chuyện với Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung. Yêu cầu này của đối tượng đã được đáp ứng khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã 4 lần điện thoại nói chuyện trực tiếp để thuyết phục đối tượng. Thậm chí cả yêu sách chỉ đồng ý gặp một mình Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng được đáp ứng. Và chỉ 10 phút sau khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung có mặt tại h
iện trường, ông đã gặp và thuyết phục được đối tượng đầu hàng, thả con tin, theo cảnh sát về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự (số 7 Thiền Quang) để điều tra.

Trong cuộc họp báo thông báo về diễn biến vụ việc của Công an Hà Nội, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hà Nội đã đưa ra bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ viêc trên. Theo Đại tá Dương Văn Giáp, trong những vụ án bắt cóc con tin, thứ nhất là phải xử lý thông tin thật nhanh, từ tổ dân phố, Công an phường đến các lực lượng khác.

Đại tá Dương Văn Giáp đã đánh giá Công an Thanh Xuân đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, góp phần làm vụ việc nhanh chóng được giải quyết.

Thứ hai, theo Đại tá Dương Văn Giáp, tất cả các vụ giải cứu con tin ở địa bàn, đặc biệt khu dân cư đông không được để người dân tụ tập đông vì có nhiều bất lợi: Đối tượng đang trong tình trạng bị kích động rất dễ có những hành động bột phát bất lợi. “Ví dụ như vụ khống chế bắt cóc con tin năm 2003 tại quận Hà Đông, khi vụ việc xảy ra có khoảng 300 người dân vây quanh hiện trường nên đối tượng cố thủ trong nhà cả ngày đêm. Sau khi giải tán được đám đông, đối tượng nhanh chóng đồng ý theo Công an ra ngoài”, Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định.

Đại tá Dương Văn Giáp cũng nhấn mạnh, khi sự việc xảy ra, chủ nhà phải hết sức bình tĩnh. Trong sự việc xảy ra tại Thanh Xuân Bắc sáng nay, Đại tá Dương Văn Giáp nhận xét chị gái của bà Hồng và con gái bà Hồng “là những người hết sức bình tĩnh. Chị Hương cũng đã trao đổi với đối tượng trong nhà rất chủ động”.

Ngoài ra, vị Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác khi mở cửa ra ngoài vào các thời điểm nhập nhoạng tối hay sáng sớm. Đơn cử vụ bắt cóc con tin ở Tây Hồ trước đây, lợi dụng người giúp việc mở cửa dọn dẹp nhà vào sáng sớm, đối tượng đã nhảy vào nhà và khống chế các nạn nhân. “Cuối cùng, thuyết phục đối tượng là phương án tối ưu, chúng ta phải dựa vào các mối quan hệ của nạn nhân, dùng người thân hoặc người có ảnh hưởng giúp thuyết phục”, Đại tá Giáp khẳng định.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc