(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, xe biển ngoại giao gây ra tai nạn giao thông tại Việt Nam có bị xem xét trách nhiệm hình sự? Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội đã có chia sẻ với VnMedia...
Khoảng 11h ngày 18/8, tại cầu vượt ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo một số người dân đi đường chứng kiến sự việc cho hay, vào thời điểm trên chiếc xe tải mang BKS: 80-NG... do một nam tài xế điều khiển đã cố tình lái xe thẳng lên cầu và húc đổ cổng thép giới hạn độ cao.
Thanh chắn cầu bị húc rơi xuống đã đập vào 4 người đi đường. Trong số 4 người bị thanh chắn va phải, 2 người bị thương rất nặng phải đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, thanh chắn hạn chế chiều cao của cầu vượt Láng Hạ đè ngang đầu chiếc ô tô gây tai nạn khiến đầu xe bị bẹp dúm, kính vỡ tung.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT cùng các cơ quan công an có mặt phong tỏa hiện trường, phân luồng giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn.
Theo quy định rào chắn cầu vượt Láng Hạ có gắn các biển báo cấm các loại phương tiện có chiều cao hơn 2,2m, trọng tải trên 3 tấn và chỉ cho phép ô tô con và xe gắn máy lưu thông trên cầu. Tuy nhiên, chưa rõ tài xế xe ô tô 80NG-29887 thiếu quan sát hay cố tình đi vào cầu vượt đã khiến phần thùng xe va chạm và kéo đổ sập chiếc rào chắn, làm bằng thép khá chắc chắn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, điều khiến dư luận quan tâm là lái xe biển nước ngoài có bị xem xét xử lý trách nhiệm hay được quyền miễn trừ ngoại giao?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Theo các thông tin có được tại thời điểm hiện tại thì chiếc xe gây tai nạn nói trên đem biển số ngoại giao, tuy nhiên không biết chính xác là của cơ quan nào, có phải gây tai nạn trong trường hợp thực thi nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao không? trong trường hợp này, đặt giả thiết: xe ô tô trên hiện đang là của một cơ quan ngoại giao trên lãnh thổ Việt Nam, người lái xe là viên chức ngoại giao hoặc nhân viên kỹ thuật của cơ quan ngoại giao sở hữu chiếc xe đó thì pháp luật quy định như sau:
Căn cứ Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ danh cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993; và nghị định số 73/NĐ-CP ngày 30/07/1994 Hướng dẫn thi hành pháp lệnh trên quy định:
- Đối với viên chức ngoại giao: 1- Viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự tại Việt Nam. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và xử phạt hành chính, trừ những trường hợp viên chức ngoại giao tham gia với tư cách cá nhân vào các vụ tranh chấp liên quan đến:
a) Bất động sản tư nhân có trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Việc thừa kế;
c) Hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp mà viên chức ngoại giao tiến hành tại Việt Nam ngoài phạm vi chức năng chính thức của họ.
- Viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự khi thực hiện chức năng của mình được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự, trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng; họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và xử phạt hành chính, trừ trường hợp liên quan đến vụ kiện dân sự: Về một hợp đồng do viên chức lãnh sự hoặc nhân viên lãnh sự ký kết không với tư cách là người được nước cử lãnh sự uỷ quyền; Về tai nạn giao thông xảy ra tại Việt Nam mà bên thứ ba đòi bồi thường thiệt hại.
- Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
- Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với tổ chức quốc tế đó.
- Cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ và thành viên của cơ quan, cũng như thành viên gia đình cùng sống chung với họ thành một hộ được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ do Chính phủ Việt Nam quy định đối với tổ chức phi chính phủ đó trên cơ sở thoả thuận được ký kết giữa hai bên.
Trên cơ sở phân tích nói trên, "muốn biết rõ trường hợp trên có bị xử lý không, xử lý theo những quy định nào của pháp luật thì phải điều tra, xác minh rõ, đối tượng đó thuộc cơ quan nào, khi gây tai nạn có phải đang thực hiện công việc do cơ quan, tổ chức đó phân công hay không", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.
Ý kiến bạn đọc