(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, khi muốn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc cần phải làm những thủ tục gì?
Ảnh minh hoạ.
Theo quy định tại Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điềuđiều của Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc, khi có văn bản yêu cầu tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và bàn giao học sinh, trại viên cho cán bộ Công an được giao trách nhiệm đến nhận học sinh, trại viên. Cán bộ Công an đến nhận bàn giao học sinh, trại viên phải có Giấy Chứng minh Công an nhân dân và Giấy giới thiệu của đơn vị. Việc giao, nhận học sinh, trại viên phải được lập biên bản; biên bản lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản. Sau khi bàn giao học sinh, trại viên trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc phải sao văn bản đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và quyết định tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc gửi Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để theo dõi.
Trong trường hợp hết thời hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ quan đã yêu cầu tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm đưa trả học sinh, trại viên về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp có yêu cầu gia hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền phải có văn bản đề nghị Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định gia hạn tạm thời đưa học sinh, trại viên ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường giáo dưỡng, Cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về việc gia hạn tạm thời đưa trại viên ra khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc về Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để theo dõi.
Trong trường hợp học sinh, trại viên có việc tang của thân nhân hoặc có trường hợp cần thiết khác được thực hiện theo Điều 25, Điều 40 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.
Việc tang của thân nhân học sinh, trại viên là khi người đó có vợ hoặc chồng, ông bà nội, ngoại, bố, mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ hoặc chồng, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc anh, chị, em ruột chết.
Trường hợp cấp thiết khác là trường hợp mà thân nhân của học sinh, trại viên bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn nặng không tự phục vụ được mà ngoài học sinh, trại viên đó ra không còn ai để chăm sóc, giúp đỡ. Trong trường hợp này, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể xét cho học sinh, trại viên về gia đình. Trường hợp hết thời hạn cho về gia đình mà thân nhân của học sinh, trại viên chưa bình phục để tự phục vụ mình thì học sinh, trại viên hoặc gia đình hoặc người giám hộ phải làm đơn xin gia hạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi học sinh, trại viên về gia đình gửi Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục để xem xét, đề xuất Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quyết định gia hạn cho học sinh, trại viên được ở lại phục vụ cho đến khi thân nhân của họ tự phục vụ bản thân được.
Thông tư này cũng quy định về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh, trại viên.
Theo đó, việc khen thưởng, kỷ luật học sinh, trại viên thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 36 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.
Học sinh được khen thưởng bằng hình thức cho về phép thăm gia đình phải là những học sinh có tiến bộ trong lao động, học tập, rèn luyện, đạt từ loại khá trở lên và đang còn bố, mẹ; người thân (ông, bà, anh, chị, em ruột hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng).
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc thành lập Hội đồng xét khen thưởng, kỷ luật cho học sinh, trại viên; thành phần Hội đồng, trình tự, thủ tục xét khen thưởng, kỷ luật cho học sinh, trại viên thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
Trường hợp trong thời gian thi hành quyết định tại cơ sở giáo dục bắt buộc mà trại viên có hành vi vi phạm, đã được giáo dục và kỷ luật nhiều lần đến khi hết thời hạn giáo dục tại cơ sở giáo dục bắt buộc vẫn không chịu sửa chữa bị cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh phát hiện, điều tra, thụ lý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở bắt buộc thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 101 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 02/2014/NĐ-CP.
Thông tư này đang được lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin Bộ Công an.
Ý kiến bạn đọc