(VnMedia) - Sáng nay, thi thể tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã được gia đình nhận lại từ cơ quan chức năng và đưa về quê chôn cất...
>> Thi hành án tử hình sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa
Nguyễn Đức Nghĩa đã đền tội
Sáng ngày 23/7, thi thể tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã được trao trả cho gia đình tại bệnh viện 198 (Bộ Công an).
Trước đó, vào cuối giờ chiều ngày 22/7, tại trại tạm giam số 1 (Công an Hà Nội), Hội đồng thi hành án đã thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với tử tù Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, ở tại Kiến An, Hải Phòng) - kẻ giết hại người yêu sau đó chặt đầu, phi tang xác nạn nhân gây rúng động dư luận trong năm 2010.
Sau khi Nguyễn Đức Nghĩa bị xử tử, gia đình đã nhận được thông báo nhưng sáng sớm nay mới lên Hà Nội kịp để làm thủ tục nhận xác.
Ngay từ sáng sớm, mẹ, chị gái và một số người thân của Nghĩa đã có mặt tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198 để nhận thi thể tử tù. Đứng trước cửa phòng lạnh của Nhà tang lễ, mẹ Nguyễn Đức Nghĩa nhìn thi thể con được đưa đến với đôi mắt đỏ hoe.
Ngay sau khi tiếp nhận thi thể, gia đình đã đưa Nguyễn Đức Nghĩa về quê ngoại ở Thái Bình để chôn cất.
Được biết, Nguyễn Đức Nghĩa là một trong nhiều tử tù được gia đình xin nhận lại tử thi sau khi bị thi hành án thời gian gần đây. Người đầu tiên bị thi hành án bằng thuốc độc cũng được người thân nhận về chôn cất là tử tù Nguyễn Anh Tuấn (28 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội). Người này bị kết án tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản” và bị thi hành án vào ngày 6/8/2013.
Quy định về việc giải quyết cho người thân được nhận xác tử tù mới được áp dụng kết từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực vào 1/7/2011. Trước đây, khi còn áp dụng thi hành án bằng hình thức xử bắn, không có quy định về việc người thân có được nhận tử thi hay không. Do vậy, người thân của tử tù không được nhận tử thi mà cơ quan thi hành án thực hiện luôn việc chôn cất.
Việc cho phép người thân nhận tử thi của tử tù là một điểm mới, được nhiều chuyên gia và người làm luật ủng hộ.
Liên quan đến vụ việc, năm 2006, khi bắt đầu vào một trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Nghĩa quen cô bạn cùng lớp Nguyễn Phương Linh (SN 1984, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Hơn 1 năm yêu đương, Nghĩa và cô bạn gái này chia tay nhau và Nghĩa bắt đầu một tình yêu mới với nữ sinh viên đất Quảng Ninh tên là Hoàng Thị Yến.
Cuối tháng 4/2010, Yến cùng bà nội về quê ở Quảng Ninh nên giao căn hộ tầng 11 chung cư G4 Trung Yên, quận Cầu Giấy, nhờ Nghĩa trông giúp. Những ngày ở đây, Nghĩa liên lạc với người yêu cũ và rủ đến căn hộ tâm sự.
Tối 4/5/2010, hay tin Linh có người yêu mới nên nổi máu ghen tuông và ý định trả thù. Khi cô gái này đang chải đầu chuẩn bị về thì Nghĩa cầm dao giấu sẵn trên giá sách đâm mạnh vào sau lưng khiến nạn nhân chết tại chỗ. Hung thủ cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay rồi quấn xác vào chăn đem giấu ở sân thượng của tòa nhà. Để tránh camera ghi hình, hắn đi theo mép phải hành lang, lau dọn vết máu chảy.
Gây án xong, Nghĩa lấy máy tính xách tay, điện thoại di động và xe máy của nạn nhân đi cầm cố được 5 triệu đồng. Để che giấu hành vi, Nguyễn Đức Nghĩa mang phần thi thể còn lại và quần áo của nạn nhân vứt ở sông Cấm, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
Sau đó, khi cơ quan công an phát hiện thi thể nạn nhân, hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa bỏ trốn lên Thái Nguyên và bị bắt sau đó. Ngày 14/7, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa 6 năm tù về tội cướp tài sản, tử hình về tội giết người; tổng hợp hình phạt là tử hình.
Cho rằng hành vi giết người của mình không "man rợ" như cáo trạng truy tố, Nguyễn Đức Nghĩa đã làm đơn kháng án.
Ngày 11/11/2010, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa. Xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, HĐXX phiên phúc thẩm đã bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình về tội giết người.
Chỉ 4 ngày sau phán quyết của tòa phúc thẩm, Nghĩa làm đơn ân xá gửi lên Chủ tịch nước. Tuy nhiên, tại văn bản 2221, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bác đơn xin ân giảm của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa.
Những ngày trong phòng biệt giam chờ thi hành án, Nghĩa có những biểu hiện khó nắm bắt và sống khép kín. Khi biết phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa càng tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ hoặc ngủ rất ít, tình tình trầm tư...
Sau hơn 4 năm, khi vụ án kinh hoàng ngày nào đã dần chìm vào quên lãng, Nguyễn Đức Nghĩa đã bị đưa ra xử tử theo đúng quy định pháp luật.
Ý kiến bạn đọc