(VnMedia)- Tại các trạm cân hiện nay đang lẫn lộn chức năng giữa cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông khi giao cho thanh tra giao thông làm việc của CSGT là dừng xe, lập biên bản xử phạt, lý do của việc này là do Bộ GT-VT đã ký văn bản với UBND các tỉnh hướng dẫn như vậy trong khi kế hoạch phối hợp 12595 đã quy định rõ chức năng của mỗi lực lượng. Sự "sốt sắng" của thanh tra giao thông khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Đây là việc làm đúng hay sai?
>> Giải pháp mới đối phó với xe quá trọng tải
>> Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm đối tượng chống đối, phá hoại trạm cân
>> Liên tục có tài xế phá các trạm cân lưu động
Theo ông Đặng Văn Chung, Chánh Thanh tra kiêm Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay luật Giao thông Đường bộ đều quy định CSGT và TTGT đều có quyền xử lý. TTGT cũng được dừng xe, lập biên bản, xử phạt với lỗi vi phạm tải trọng. TTGT xử lý khi có dấu hiệu rõ ràng. Vì hai anh cùng thực hiện một nhiệm vụ nên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an có quy chế phối hợp số 137 giữa Tổng cục 7 Bộ Công an với Tổng cục Đường bộ, trong đó có nói việc phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng… đã làm từ năm ngoái rồi.
Cuối năm 2013, hai Bộ thống nhất nâng quy chế 137 lên thành kế hoạch 12593 chuyên đề về xử lý xe quá tải.
Chiếc xe này đã được chủ xe cơi thêm thùng để chở hàng quá tải trọng.
"Ban đầu tôi là người viết ghi TTGT và CSGT phối hợp dừng xe, mình viết mở như thế để trong trường hợp địa phương CSGT không làm thì TTGT làm vì thực tế CSGT rất bận. Nhưng sau khi đưa sang các anh bên Cục CSGT có ý kiến đề nghị sửa, chúng tôi nhất trí ngay", ông Đặng Văn Chung nói.
Theo thông tin từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, trong quá trình triển khai, 63 tỉnh thành không phải tỉnh nào CSGT cũng tham gia từ đầu, nhiều tỉnh CSGT không tham gia ngay được mà TTGT phải tự làm vì cân trang bị rồi, Thủ tướng có Công điện 95 rồi. Chính vì CSGT một số tỉnh chưa tham gia được nên 2 bộ báo cáo, Ủy ban ATGT quốc gia có văn bản yêu cầu trong lúc CSGT chưa làm thì TTGT chủ động làm.
"Nghĩa là hai bên làm đều đúng, chỉ có điều là hai bên phối hợp, trong lúc CSGT thiếu thì TTGT làm. Công điện của Uỷ ban ATGT quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký. Tóm lại, nhiệm vụ, chức năng thì đều có cả, nhưng trong quá trình triển khai thì cả hai đều là cơ quan chấp pháp, phối hợp với nhau để không bị trống trên đường. Trong quá trình vận hành thì đã có sự bổ sung các văn bản nhà nước", ông Đặng Văn Chung cho biết.
Được biết, tại nhiều địa phương CSGT- TTGT phối hợp tốt như Cần Thơ, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh. Tại TP. Hồ Chí Minh chỉ những ông thuộc diện cán bộ nguồn, trong quy hoạch mới được tham gia trạm cân. Nhưng một số địa phương vì lý do nào đó CSGT không tham gia, như Lạng Sơn, hay Thanh Hóa được cấp cân đầu tiên nhưng CSGT không làm. Tóm lại TTGT làm không sai.
Cảnh sát giao thông đang kiểm tra giấy tờ một chủ xe vi phạm.
Theo tìm hiểu được biết, giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh có ký với nhau một văn bản quy chế phối hợp. Do trạm cân của ngành giao thông, trạm cân ngành giao thông chủ trì vì mục tiêu trạm cân là bảo vệ kết cấu hạ tầng. Ngành giao thông chủ trì nên đương nhiên TTGT phải là nòng cốt trong việc này. Theo quy chế ấy, hầu hết UBND tỉnh chỉ đạo CSGT, cảnh sát trật tự, kiểm soát quân sự tham gia. Hầu hết các quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định là CSGT dừng xe, trong trường hợp CSGT không tham gia được thì TTGT mới dừng xe, vì muốn hay không thì CSGT dừng xe hiệu quả hơn, còn lập biên bản thì bên nào làm cũng được.
Ông Đặng Văn Chung cho rằng, quy chế giữa Bộ và các tỉnh và kế hoạch 12593 giữ Bộ CA- GTVT khác nhau cái việc ấy thì cũng phải nói thật nhiều tỉnh lấy lý do này mà không làm, trong đó có Thanh Hóa, Bình Định. Bình Định là 1 trong 10 địa phương được cấp cân đầu tiên từ tháng 11 năm 2013 nhưng mãi tháng 4 vừa rồi mới làm. Tôi cũng căng với Bình Định lắm, làm mấy văn bản phê bình vì không có lý do gì cả, CSGT chưa làm thì TTGT làm nếu TTGT không làm được thì ăn đòn đấy vì trang bị cho các ông mà không làm.
"Chung quy lại thế này, tại một số địa phương phản ánh việc TTGT làm thay CSGT thực ra cực chẳng đã TTGT mới phải làm thôi, nếu CSGT làm tốt, chặt chẽ thì TTGT quá nhàn, đỡ khổ. Một số tỉnh, khoảng chục tỉnh, trạm cân do Ban ATGT chủ trì, thậm chí có địa phương lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách trạm cân, ví dụ như Hà Tĩnh, trạm cân thuộc UBND tỉnh chứ không phải sở GTVT, cử đồng chí Phó Chánh Thanh tra giao thông làm trạm trưởng nhưng hàng ngày phải báo cáo cho Ủy ban. Tại Bình Phước, Ban ATGT chủ trì trạm cân rất hiệu quả do phó Ban ATGT phụ trách trực tiếp. Tại một số địa phương, do CSGT không tham gia được nên TTGT phải tự làm", ông Đặng Văn Chung nói.
Cũng theo ông Đặng Văn Chung, kết quả sau 3 tháng triển khai trạm cân chưa được như kỳ vọng. Hiện số xe vào cân thì lượng xe vi phạm chiếm khoảng 15- 20%. Ngoài ra không phải xe nào cũng vào cân, một số nơi không có trạm thì vẫn lọt nhưng không nhiều. Hiện đã giảm 60% xe quá tải. Nhưng cân xe chỉ là một trong nhiều giải pháp, vì vận tải đường sắt đã tăng 40%. Nhưng vấn đề là đã điều chỉnh phương thức vận tải, cả đường sắt, cả đường thủy được cơ cấu lại. Nhưng cái được là qua cân trọng tải xe hư hỏng cầu đường giảm dần, tai nạn do xe quá tải giảm dần, đặc biệt khi kiểm soát tải trong xe thì một số bất cập trong quản lý nhà nước đã bộc lộ ra để tháo gỡ như công tác đăng kiểm, công tác kiểm soát trên đường… ví dụ như tình trạng nối thùng xe chỉ từ 60cm nhưng đã nối tới 2m. Vì vậy từ 15/7 mở chiến dịch đồng loạt trên cả nước không cần cân xe mà đi đo thùng xe, không cần CSGT, chỉ cần TTGT phát hiện xử lý.
"Lâu nay các loại phương tiện, các doanh nghiệp chỉ biết chở quá tải thôi, nay bộc lộ ra để điều chỉnh, cho xe chở tối đa nhưng không qua tải trọng cho phép. Hiện nay Hiệp hội vận tải TP. Hồ Chí Minh trả lời tháng 4 thì căng thẳng nhưng tháng 5 thì có lãi vì hạn chế xe hỏng. Mới đây Bộ GTVT đã chỉ đạo giám đốc cảng nào của ngành giao thông để chất hàng quá tải thì xử lý. Tóm lại kiểm tra xe là xử lý ở ngọn nhưng lại ra nhiều vấn đề", ông Đặng Văn Chung cho biết.
Ý kiến bạn đọc