(VnMedia)- Nổi bật nhất trong tuần qua về tình hình trấn áp tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội là việc lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá, bắt giữ các đối tượng tham gia cá độ bóng đá, đối tượng người Trung Quốc lừa đảo, trộm cắp tài sản...
Hàng loạt đường dây cá độ bóng đá lớn bị triệt phá
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, lực lượng công an vừa triệt phá thành công một đường dây cá độ bóng đá lớn, "ăn theo" World Cup với số tiền là 37,7 triệu USD; trong đó có 10 thành viên cấp quản lý, hơn 150 con bạc tham gia.
Tang vật vụ việc. Ảnh: TTXVN.
Trả lời báo chí, Thiếu tướng Mai Văn Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết nhóm đối tượng này sử dụng mạng Internet để đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá và xóc đĩa.
Lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng cầm đầu cung cấp trang mạng cá độ bóng đá, xóc đĩa cho các đại lý cấp dưới trên địa bàn thành phố Huế là Võ Văn Nhân, 31 tuổi (trú tại 319/2 đường Bùi Thị Xuân, Huế), đồng thời bắt giữ 5 đối tượng khác là đồng phạm, trợ thủ đắc lực cho Nhân trong việc tổ chức đánh bạc.
Khám xét nơi ở của Nhân, cơ quan công an thu giữ nhiều phương tiện phục vụ cho đánh bạc như máy tính, máy fax, ipad, điện thoại di động, sổ ghi nợ trên 200 triệu đồng cùng một số hiện vật bao gồm 400 USD, 300 đôla Canada...
Vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước khi ổ nhóm tại Thừa Thiên Huế bị phanh phui, ngày 3/7, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ CA triệt phá một đường dây đánh bạc qua mạng inernet với quy mô lớn.
Theo điều tra ban đầu, đây là đường dây tổ chức đánh bạc và tổ chức đánh bạc trong hệ thống m88 có máy chủ đặt tại nước ngoài và giao diện bằng tiếng Việt. Có hàng nghìn người đã tham gia đánh bạc bằng hình thức cá độ trên hệ thống này với số tiền lên đến hơn 1.400 tỷ đồng.
Cơ quan CA đã làm rõ, đây là hình thức đánh bạc thế chấp. Người tham gia phải lập tài khoản tại trang web m88, sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do nhà cái chỉ định. Khi nhận được tiền, nhà cái sẽ chuyển thành lượng điểm có giá trị tương đương với tiền này vào tài khoản m88 của người chơi để họ đánh bạc trực tiếp với nhà cái.
Các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, lượng tiền trung chuyển qua nhiều tài khoản ở nhiều tầng khác nhau, có sự điều hành của đối tượng nước ngoài.
Toàn bộ các đối tượng có vai trò tổ chức, cầm đầu đường dây này đã bị bắt giữ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật liên quan hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Hiện, cơ quan chức năng đang củng cố tài liệu để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và mở rộng điều tra vụ án.
Tại Hà Nội, ngày 3/7, Phòng CSHS (PC45) CA Hà Nội cho biết đang tạm giữ 10 đối tượng về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc thông qua hình thức cá độ bóng đá.
Các đối tượng bị tạm giữ là Phạm Quốc Tuấn (ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân); Hồ Sỹ Cường (ở đường Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân); Nguyễn Kim Cương (ở ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ); Trần Phúc Lộc (ở xóm Mới, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân); Nguyễn Nhật Minh (ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm); Phạm Trung Kiên (ở thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương); Nguyễn Hữu Lê (ở xã Vĩnh Phúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên); Nguyễn Tuấn Linh (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy); Nguyễn Hương Chung (ở phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình); và Đỗ Khắc Hiếu (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CA xác định, đây là ổ nhóm tổ chức đánh bạc và đánh bạc lớn do Phạm Quốc Tuấn cầm đầu liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, có sự phân công vai trò nhiệm vụ của từng đối tượng, sử dụng công nghệ cao đối phó với cơ quan chức năng.
Ngày 29/6, PC45 phối hợp cùng CA phường Quan Hoa, CA quận Cầu Giấy bắt giữ 10 đối tượng tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Tang vật thu giữ là 11 điện thoại di động, 2 cây máy tính, 1 laptop và 5.000.000 đồng.
Tại cơ quan CA, các đối tượng khai nhận, khoảng đầu tháng 6/2014, Hồ Sỹ Cường được Phạm Quốc Tuấn giao cho một tài khoản cá độ trên trang mạng www.bong88.com với số tiền trong tài khoản là 15.000 USD. Cường và Tuấn thỏa thuận với nhau 1 USD = 15.000 đồng. Sau đó, Cường đã chia tài khoản trên thành các tài khoản Tva7gd06sub01 và Tva7gd06sub02. Cường dùng tài khoản Tva7gd06sub01 để chia thành 11 trang tài khoản con. Cường trực tiếp dùng 2 tài khoản, còn lại 9 tài khoản khác giao cho một số đối tượng, còn tài khoản Tva7gd06sub02, hắn giao cho Trần Phúc Lộc quản lý để chơi cá độ. Sau đó, Lộc thông qua Nguyễn Nhật Minh đã tổ chức cho các đối tượng Phạm Trung Kiên, Nguyễn Hữu Lê, Nguyễn Kim Cương và một số đối tượng khác đánh cá độ nhiều trận bóng đá trong các giải bóng đá vô địch các quốc gia Châu Âu và đặc biệt là các trận đấu giải bóng đá World Cup 2014.
Tính từ tháng 4/2014 đến nay, toàn bộ 13 tài khoản con do ổ nhóm này tạo lập, sử dụng để cá độ bóng đá với tổng số tiền 8,12 tỉ đồng.
Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Liên tiếp bắt giữ người Trung Quốc phạm tội
Cùng với việc triệt phá nhiều vụ cá độ bóng đá điển hình như nói trên, trong tuần qua, lực lượng chức năng còn bắt giữ nhiều đối tượng người Trung Quốc vi phạm pháp luật.
Theo đó, ngày 4/7, Đội 3, Phòng cảnh sát chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) cho biết vừa phối hợp cùng Phòng 3 Bộ CA triệt phá ổ nhóm chuyên rút trộm tiền của ngân hàng bằng thẻ giả.
Đối tượng Tian tại cơ quan CA
Cụ thể, đối tượng Zeng Xiao Tian, quốc tịch Trung Quốc bị bắt giữ về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, năm 2013, Tian thuê Đinh Văn Chính thành lập Công ty TNHH Ninh Cát tại địa chỉ phòng 2603, Tòa nhà Licogi 13, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội do Chính làm giám đốc, tạo vỏ bọc cho Tian làm giám đốc điều hành.
2 đối tượng người Việt Nam được Tian trả lương cao để đứng ra làm giám đốc các công ty "ma"
Sau đó, Tian chỉ đạo Chính tiếp tục thành lập 3 công ty “ma” khác là Công ty TNHH Thương mại Phước Hiền ở Long Biên, Hà Nội do Lê Trọng Hiền (SN 1992) làm giám đốc; Công ty TNHH TMDV Bảo Phương ở Hoàng Mai, Hà Nội, giám đốc là Nguyễn Thị Phương (SN 1988); Công ty TNHH Thương Mại Lực Long ở Thanh Xuân, Hà Nội, do Hoàng Tiến Tuân (SN 1993) làm giám đốc.
Tian cùng Đinh Văn Chính đã lựa chọn ngân hàng có cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ để mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ, sử dụng thẻ giả quẹt qua máy POS chuyển tiền vào tài khoản các công ty “ma” trên để rút trực tiếp tại các ngân hàng hoặc cây ATM. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng của các ngân hàng.
Cũng trong chiều 3/7, CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Chang Khai Yeu (Trương Khải Nhạc, SN 1987 và Hsieh Ming Hsin (Tạ Minh Tu- SN 1983), đều là người Đài Loan, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội để điều tra làm rõ về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”...
Trước đó, vào 13h ngày 30/6, Đội 5 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) bắt quả tang Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin đang có hành vi dùng thẻ của người khác rút tiền tại cây ATM trên đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Kiểm tra 2 đối tượng này, cơ quan CA phát hiện, thu giữ 54 thẻ ATM khác nhau do các Ngân hàng của Việt Nam phát hành cùng gần 283 triệu đồng.
Bước đầu làm rõ 2 đối tượng người Đài Loan này móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là CA đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan CA để lừa đảo, dụ người bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Chiều 2/7, Phòng CSPCTP công nghệ cao Hà Nội (PC50) cho biết qua một quá trình theo dõ, khi đang rút 300 triệu đồng tại một cây ATM ở phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội hai nghi can lừa đảo người Đài Loan bị trinh sát phát hiện bắt giữ.
Hai nam thanh niên người Đài Loan này nằm trong đường dây lừa đảo qua điện thoại giả danh một cơ quan CA TP HCM. Vào thời điểm bắt giữ, cơ quan chức năng thu tại chỗ 300 triệu đồng cùng 46 thẻ ATM mang tên các ngân hàng trong nước. Khám nơi ở của hai thanh niên này, các trinh sát Đội 5 thu giữ thêm 10 thẻ ATM khác và chứng minh đã có ít nhất 7 tỷ đồng bị rút ra từ thẻ các ngân hàng này.
Theo tài liệu cơ quan chức năng, nhóm lừa đảo đã sử dụng phần mềm giả mạo gọi điện hiển thị trên màn hình là dấu “+”83. Những số sau đó trùng với số điện thoại của một cơ quan CA TP HCM. Dù người bị lừa có kiểm chứng nhưng qua tổng đài 1080 đã không để ý đến dấu cộng trước số điện thoại. Trong khi thực chất, số điện thoại đúng phải có số 0 ở đầu.
Với thủ đoạn trên, một thời gian dài nhóm người này mạo danh CA, gọi đến các số điện thoại đã được tính toán kỹ nói người nhà bị hại đang nợ cước điện thoại hoặc đang bị dính líu đến vụ án hình sự, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng với danh nghĩa cơ quan điều tra. Theo thống kê, riêng ở Hà Nội, gần 40 người bị chúng lừa đảo số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Bị hại gần đây nhất là ông Thành (hơn 70 tuổi) - một giáo viên nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng. Ông Thành đã bị nhóm người bị gán vào tội buôn bán ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Huy Hùng, nhân viên một ngân hàng cầm đầu. Vì tin lời các đối tượng và để chứng minh mình “trong sáng” cựu giáo viên này đã gửi 720 triệu đồng tiét kiệm vào tài khoản của chúng để “phục vụ điều tra”.
Ý kiến bạn đọc