Liên tục có tài xế phá các trạm cân lưu động

16:43, 11/07/2014
|

(VnMedia)- Tại các trạm cân lưu động các tài xế không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân... đây là hàng loạt những bất cập đang diễn ra khi lực lượng chức năng siết và kiểm soát tải trọng phương tiện...

Ảnh minh họa

Xe vào trạm cân lưu động để kiểm tra. Ảnh chụp tại một trạm cân lưu động tại Thanh Hoá.

Lao vào trạm cân để phá hỏng trạm cân

Ngày 10/7, tin từ công an TP. Hải Dương được biết cơ quan này đang tiến hành điều tra làm rõ vụ đâm hỏng một trạm cân lưu động trên địa bàn.

Theo thông tin ban đầu, hồi 0h30 phút ngày 08/7/2014, xe ô tô mang biển kiểm soát 16L-7454, kéo rơ moóc mang biển kiểm soát 16R-3071 do Nguyễn Văn Toàn (SN 1978, quê Thái Bình) điều khiển, đến địa phận phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, tổ công tác liên ngành trạm cân lưu động đã yêu cầu dừng xe để cân kiểm tra tải trọng. Toàn đã cố tình lái xe chạy tốc độ cao qua bàn cân và lùi xe trở lại, gây hư hỏng một số bộ phận của cân (chưa xác định được mức độ thiệt hại). Công an địa phương đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng làm hư hỏng trạm cân xe lưu động khi bị yêu cầu kiểm tra tải trọng.

Trước đó, Trưa 1/7, cân tải trọng của Trạm kiểm soát lưu động Thanh Hóa đã hư hỏng sau khi một xe đầu kéo phóng nhanh phanh gấp trên đường dẫn.

Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa) cho biết, khoảng 10h50 ngày 1/7, lực lượng liên ngành đang làm nhiệm vụ tại trạm cân thì phát hiện xe đầu kéo biển kiểm soát Hưng Yên kéo theo rơ mooc (do tài xế Nguyễn Văn Thắng, 31 tuổi, trú TP Bắc Giang điều khiển) có dấu hiệu quá tải nên yêu cầu đưa vào trạm cân để kiểm tra.

Điều khiển phương tiện vào trạm cân, tài xế chạy với tốc độ cao, đến bàn cân đã phanh gấp khiến hệ thống đường dẫn cân và nhiều thiết bị hư hỏng. Thanh tra giao thông đã báo cáo sự việc với Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa và các ngành chức năng đề nghị phối hợp xử lý tình huống.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sau đó đã điều động bộ cân lưu động dự phòng thay thế và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Giao thông tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện bằng bộ cân xách tay.

Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm lái xe đâm vào trạm cân gây tê liệt thiết bị. Trường hợp lái xe có chủ ý chống đối, phá hoại đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu toàn bộ kinh phí sửa chữa hoặc thay mới thiết bị hư hỏng.

Công an tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ lái xe và phương tiện để làm rõ vụ việc.

Còn quá nhiều bất cập

Trên đây là hai trong số những vụ lái xe không tuân thủ việc kiểm soát tải trọng phương tiện được lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện trên toàn quốc.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công an về tình hình thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của xe ô tô trên toàn quốc cho thấy, trong 6 tháng thực hiện, lực lượng CSGT đã dừng, kiểm tra 147.994 xe ô tô tải, phát hiện và lập biên bản 40.368 trường hợp vi phạm hàng quá trọng tải; đã xử lý hạ tải đối với 6.275 phương tiện vi phạm, với 11.445 tấn hàng...

Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra cho thấy y thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hoá bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận, khoán sản phẩm vận chuyển cho lái xe dẫn đến ngang nhiên vi phạm; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải…; tình trạng nhiều xe ô tô tải dừng, đỗ ở hai đầu trạm kiểm tra tải trọng xe đợi khi lực lượng liên ngành đang tập trung xử lý vi phạm đối với xe khác hoặc đợi thời điểm giao ca… thì ồ ạt chạy qua trạm kiểm tra tải trọng xe. Không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân; chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ (Hà Nam, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế và Hải Phòng…). Các cơ quan quản lý Kho, Cảng, Bến bãi… chưa vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý được việc xếp hàng hoá lên xe ô tô, vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất phát. Các Hiệp hội vận tải chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các hội viên chấp hành quy định về tải trọng xe.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước còn cho nhập khẩu một số xe ô tô vận tải siêu trường, siêu trọng vượt quá tải trọng cầu, đường; cho phép đóng thùng xe quá lớn so với tải trọng cho phép của xe; quy định tổng trọng lượng của xe được phép tham gia giao thông không thống nhất (tại Đồng Nai, Lâm Đồng phát hiện một số giấy chứng nhận kiểm định An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cho phép tổng trọng lượng tối đa của xe ô tô được phép tham gia giao thông lớn hơn tổng trọng lượng quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 và Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/2/2011 của Bộ Giao thông Vận tải).

Công tác chuẩn bị ở một số địa phương chưa chu đáo, lực lượng Thanh tra giao thông chưa làm tốt công tác khảo sát xác định vị trí mặt bằng đặt trạm, bố trí nơi hạ tải, thiết bị hạ tải… dẫn đến chỉ lập biên bản vi phạm hành chínhv ề hành vi quá trọng tải nhưng không buộc hạ tải ngay mà giao cho chủ xe, chủ hàng tự hạ tải nên nhiều xe chở quá tải vẫn tồn tại, lưu hành trên đường (Bắc Giang, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, KonTum, Lào Cai, Phú Yên, Sóc Trăng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế…), chưa xây dựng phương án giải quyết các tình huống tụ tập gây rối, gây ùn tắc giao thông, “cò” xung quanh trạm kiểm tra tải trọng xe, chống người thi hành công vụ.

Cân trọng tải lưu động ở một số địa phương bị hỏng, hay xảy ra sự cố, có kết quả không chính xác (tại Quảng Nam, Hải Phòng, Đắc Lắk, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Phước, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Phú Thọ, Lào Cai…), nhiều chủ hàng, lái xe có khiếu nại và không ký biên bản vi phạm (như tại Quảng Nam, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động kiểm tra xe ô tô đầu kéo BKS 43S-3445, kết quả mã cân tĩnh là 42.580 kg, mã cân động là 42.600 kg; lái xe không chấp nhận vi phạm đã xuất trình phiếu cân do Cảng Đà Nẵng cân là 40.240 kg; vì vậy, tổ liên ngành đã đưa xe đến Trạm cân điện tử của Cty TNHH TM&DV Định Chi tại TP. Tam Kỳ để cân đối chứng, kết quả là 40.250kg.

Trong quy chế giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND hoặc ở một số địa phương, UBND có văn bản giao cho Thanh tra giao thông lập biên bản, quyết định xử lý vi phạm (Bình Định, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp, Nghệ An, Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Nông, Hậu Giang, Hà Tĩnh...); trong khi theo quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thanh tra giao thông, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ, chỉ có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm của giao thông tĩnh... nhiều hành vi vi phạm trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP, Thanh tra giao thông không có thẩm quyền xử lý; mặt khác, việc phân công như trên không thống nhất với phân công trong Kế hoạch số 12593; khi triển khai các ca công tác không trao đổi thống nhất với lực lượng CSGT làm hạn chế kết quả phối hợp liên ngành...


Lam Nguyên - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc