(VnMedia) - Các đối tượng làm giả 24.900 thẻ MobiFone tại Trung Quốc rồi mang về Việt Nam thế chấp tại một chi nhánh ngân hàng ở Hải Dương để vay 35 tỷ đồng chia nhau sử dụng...
Ảnh minh hoạ
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 người trong đường dây làm giả thẻ cào của MobiFone với số lượng lớn, gồm: Nguyễn Văn Chung (SN 1980, trú tại phường Tân Bình, TP Hải Dương); Phạm Văn Duật (SN 1981, trú tại phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương); Đào Anh Tuấn (SN 1978, trú tại Thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng), đều thuộc tỉnh Hải Dương và Trần Việt Cường (SN 1981, trú tại Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, TP Hải Phòng).
Theo tài liệu điều tra tại cơ quan công an, ngày 16/1/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Ân (trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) đang vận chuyển một thùng giấy từ Trung Quốc về Việt Nam.
Qua quan sát, phát hiện thấy có nhiều điểm bất thường, Chi cục Hải quan đã kiểm tra và phát hiện bên trong hộp giấy chứa 24.900 thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng của MobiFone.
Qua khai thác, đối tượng Ân khai nhận được 2 thanh niên lạ mặt thuê vận chuyển thùng hàng về Việt Nam với giá 50.000 đồng. Tiến hành kiểm tra thẻ cào cho thấy có 10/11 thẻ cào nạp tiền được.
Xác minh thông tin từ phía nhà nhà cung cấp dịch vụ di động MobiFone Quảng Ninh 2 - Trung tâm thông tin di động khu vực 5 khẳng định, 24.900 thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng trên không phải là thẻ do MobiFone cung cấp trên thị trường, được sản xuất giả nhằm mục đích lừa đảo khách hàng.
Ngay sau đó, lực lượng Hải quan đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, tang vật liên quan cho công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, làm rõ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định 4 đối tượng: Chung, Duật, Cường và Tuấn đã có hành vi làm thẻ MobiFone giả nói trên tại Trung Quốc rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam.
Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng khai nhận đã nhiều lần sang Trung Quốc để đặt in các thẻ cào giả nhằm mục đích đem thế chấp, vay tiền từ ngân hàng. Số thẻ này không được bán ra thị trường nên không gây ảnh hưởng đến các khách hàng khi mua thẻ cào.
Để thực hiện việc làm thẻ cào giả, nhóm người này đã bỏ ra 400 triệu đồng để mua các thẻ cào thật. Từ các số seri thẻ cào thật trên, các đối tượng đặt in nhân bản nhiều lần các thẻ cào với tổng trị giá 52 tỷ đồng. Số thẻ cào giả này được dùng để thế chấp tại một chi nhánh ngân hàng tại Hải Dương để vay số tiền gần 35 tỉ đồng. Số tiền lấy được, các đối tượng chia nhau tiêu xài.
Khi các phi vụ thế chấp thẻ cào giả tại ngân hàng được thực hiện trót lọt, các đối tượng đã chia nhau số tiền trên để tiêu xài cá nhân. Cơ quan điều tra nhận định, số tiền thế chấp hàng chục tỷ đồng do các đối tượng gây ra với chi nhánh ngân hàng trên khó có khả năng thu hồi.
Đến nay, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can, ra lệnh bắt 2 đối tượng, cho tại ngoại một đối tượng và ra quyết định truy nã một bị can.
Thượng tá Nguyễn Bá Bính, Phó GĐ công an tỉnh Quảng Ninh
Thượng tá Nguyễn Bá Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho hay, đây là một trong những vụ án điển hình về loại tội phạm liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin.
Theo ông Bình, những năm gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh, nhất là khu vực biên giới, tội phạm liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Công an tỉnh Quảng Ninh đã điều tra, bắt giữ một số ổ nhóm liên quan đến các đối tượng trong và ngoài nước.
Dự báo thời gian tội phạm trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt là thị trường sim thẻ giả hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hành vi vi phạm pháp luật của loại tội phạm này sẽ làm giảm lòng tin của các khách hàng với nhà mạng di động, không những gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng về sự hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thông tin.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, lực lượng Công an tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp phát động có hiệu qủa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Tổ chức tuyên truyền rộng khắp về phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm nói chung và loại tội phạm liên quan đến Viễn thông, Công nghệ thông tin từ đó nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và tố giác những biểu hiện vi phạm pháp luật với Cơ quan chức năng để tiến hành điều tra xử lý.
Ý kiến bạn đọc