Cảnh báo ứng dụng lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ trên điện thoại

07:18, 23/06/2014
|

(VnMedia)- Theo Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin ngầm tới các dịch vụ đầu số để chiếm đoạt tiền  là thủ đoạn mới của tội phạm “bàn phím” nhằm vào người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đang có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi.


Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Phòng PC 50, Công an Hà Nội, đơn vị này vừa bắt giữ một nhóm đối tượng có trình độ nhưng tham gia lập trình phần mềm lừa đảo này đều là những trí thức trẻ, am hiểu và giỏi về công nghệ thông tin. 

Theo đó, nhằm thu hút các thành viên tham gia phát tán ứng dụng, các đối tượng đã lập một trang facebook có tên “Mmoney.vn – Dịch vụ kiếm tiền online hàng đầu Việt Nam”, trong đó quảng cáo tỷ lệ chia sẻ “hợp tác – làm giàu” cho thành viên lên tới 85%. Chính vì vậy,  trong vòng chưa đầy 1 năm từ khi website “Chợ nội dung số m.money.vn”  hoạt động, đã có trên 2.400 thành viên tham gia. Các thành viên này chịu trách nhiệm phát tán các ứng dụng vi phạm đã khiến cho trên 800.000 thuê bao di động bị mắc bẫy mất tiền mà không biết khi sử dụng các ứng dụng với số tiền bị “móc túi” khoảng trên 9 tỷ đồng.

Đặc biệt, để có thể chiếm đoạt cùng lúc tối đa số tiền của người sử dụng, tăng doanh thu cho Công ty cổ phần IMMC, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985), Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần IMMC (địa chỉ ngõ 139 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ đạo Đoàn Việt Dũng lập trình và thiết kế website mmoney.vn có các chế độ tắt/bật confirm (thông báo trước khi gửi tin nhắn); chế độ chọn số lượng tin nhắn gửi đi trong một lần truy cập ứng dụng, chế độ thay đổi các đầu số... Chế độ tắt/bật này cũng nhằm mục đích đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Theo đó, ban ngày các đối tượng sẽ  bật chế độ confirm, trên màn hình sẽ hiện lên dòng cảnh báo tải ứng dụng mất tiền. Tuy nhiên vào buổi tối, khi lượng truy cập đông, nhất là vào thời điểm khuya khoắt, số lượng người có nhu cầu tải ứng dụng xem phim sex tăng, các đối tượng tắt chế độ confirm đi,  người tải ứng dụng sẽ bị trừ tiền mà không biết.

Trung tá Hà Thị Hằng, Đội trưởng Đội 3 PC50 Công an Hà Nội phân tích, để đánh lừa người tải ứng dụng thì mmoney.vn sử dụng tới gần 10 đầu số dịch vụ để trừ tiền, như đầu số 8x77, 8977, 8x71, 8x55, 6x65, 8x88, 6x86… của nhiều công ty đầu số và nhà mạng khác nhau. Do đã lập trình chức năng tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ để trừ tiền trong tài khoản nên khi người sử dụng tải ứng dụng quảng cáo miễn phí vẫn bị trừ 15.000 đồng;  khi tải ứng dụng mất phí 15.000 đồng, người tải ứng dụng tưởng rằng chỉ mất tiền cho một đầu số dịch vụ   nhưng thực tế đã bị phần mềm tự động chuyển tin nhắn đến tất cả các đầu số dịch vụ mà mmoney.vn sử dụng. Hậu quả là nhiều chủ thuê bao “trót dại” tải ứng dụng xem phim sex đã bị trừ sạch sành sanh tiền trong tài khoản mà không thể biết nguyên nhân vì sao bị trừ tiền. 

Theo khai nhận của các đối tượng, số tiền “móc túi” thuê bao điện thoại tải ứng dụng được chuyển cho nhà mạng viễn thông 55%, công ty đầu số 45%, sau đó sẽ chuyển tiếp cho Công ty CP IMMC 85% số tiền nhận được từ nhà mạng. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, xử lý vi phạm của nhà mạng và công ty đầu số có liên quan.

Ảnh minh họa


Trước đó, trong tháng 4/2014, PC50 Công an Hà Nội từng triệt phá ổ nhóm 4 đối tượng chiếm đoạt tiền của người sử dụng điện thoại  khi cài đặt các ứng dụng di động gồm Trần Ngọc Hải, chủ sở hữu trang web adrocket.vn; Nguyễn Văn Tú – giám đốc Công ty TNHH đầu tư, xây dựng và thương mại SOLOHA cùng 2 nhân viên Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực.  Theo thỏa thuận của các đối tượng thì Tú, Lực và Tiến cùng nhau lập tài khoản “Tiensoloha” trên trang web adrocket.vn (chuyên cung cấp công cụ chỉnh sửa ứng dụng di động), đồng thời đầu tư 50 triệu đồng thuê máy chủ, xây dựng 2 trang web clickdi.com, soundfest.com.vn để phát tán ứng dụng đã qua chỉnh sửa tại adrocket.vn. Khi người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến một số đầu số dịch vụ vụ với mức phí 15.000 đồng và không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của trên 100.000 thuê bao ước tính trên 2 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, cùng với  sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện thoại di động trong thời gian qua, nhất là dòng điện thoại thông minh đã kéo theo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trên điện thoại di động cũng ngày càng tinh vi hơn. Ngoài hình thức lừa đảo qua tin nhắn thì hiện nay, các ứng dụng trên điện thoại thông minh thường bị đối tượng xấu cố ý chèn mã độc hoặc chỉnh sửa tiện ích của ứng dụng nhằm mục đích kiếm tiền như các vụ việc nêu trên.

Do đó, để phòng tránh bị mất tiền oan bởi các thủ đoạn lừa đảo “tải ứng dụng”, người dùng chỉ nên  tải ứng dụng phổ biến từ các trang web chính thức hoặc các cửa hàng ứng dụng, không nên tải về từ các nhà cung cấp ứng dụng bên thứ ba hoặc từ các nguồn không rõ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với các nhà mạng, các công ty dịch vụ đầu số vì lợi nhuận đã vô tình “tiếp tay” cho các đối tượng lừa đảo.


Trúc Dân - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc